Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Truyền thống, liên kết và bứt phá

NDO - Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới nhằm tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ để phát huy nhanh, hiệu quả được các giá trị truyền thống kết hợp với khai thác các cơ hội mới, bắt kịp xu thế của thế giới thông qua việc tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Chia sẻ trước thềm Hội nghị lần thứ 3 Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng và công bố Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến diễn ra ngày 9/5/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 6 chữ truyền thống - liên kết - bứt phá để thể hiện nội dung xuyên suốt bản quy hoạch.

Coi văn hóa và các giá trị truyền thống là nguồn lực phát triển

Bộ trưởng cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều giá trị truyền thống về mọi mặt, đây là lợi thế lớn, nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đó, đặc biệt là thoát ra khỏi tư duy phát triển “cũ” có tính truyền thống, xác lập tư duy phát triển mới tạo ra động lực mới cho sự phát triển vùng.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng xác định, phát triển vùng phải phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên và các giá trị văn hoá, lịch sử; các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị.

Đồng thời, phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cả nước giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quốc gia có liên quan; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa và sự phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia.

Cùng với đó, phát triển và cơ cấu lại kinh tế vùng phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của vùng; phát huy hiệu quả các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, các trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.

Quy hoạch vùng cũng nhấn mạnh phát triển kinh tế hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá, giá trị lịch sử, nhất là văn hóa đồng bằng Bắc Bộ; coi văn hóa và các giá trị truyền thống là nguồn lực phát triển hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị…

Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển

Về yếu tố liên kết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030 nhấn mạnh việc tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Theo đó, nội dung về liên kết vùng trong bản quy hoạch đã tập trung vào một số khía cạnh chính, cụ thể:

Thứ nhất, phát triển hạ tầng kết nối vùng, bao gồm cả kết nối song phương giữa các tỉnh, thành phố, ưu tiên gắn với các hành lang quan trọng của vùng; trong đó ưu tiên chuẩn bị và triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Lạng Sơn-Hà Nội; đồng bộ hóa từng bước các điểm đầu mối về giao thông như cụm cảng Hải Phòng-Quảng Ninh, các tuyến kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương (các tuyến vành đai và các trục kết nối với các địa phương); phát triển đồng bộ hạ tầng số để tạo nền tảng thực hiện chuyển đổi số…

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Truyền thống, liên kết và bứt phá ảnh 1

Thủ đô Hà Nội là hạt nhân phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Thứ hai, xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đất và bảo đảm an ninh nguồn nước liên tỉnh; chú trọng các giải pháp hiệu quả để ứng phó với diễn biến hạ thấp mực nước trên hệ thống sông của vùng và hồi sinh các dòng sông như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, Bắc Hưng Hải...

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng; hình thành và tăng cường liên kết mạng lưới các trung tâm, cơ sở đổi mới sáng tạo.

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong vùng và hạn chế các xung đột triệt tiêu động lực của các địa phương trong mối quan hệ hữu cơ với nhau,

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối trong việc sử dụng nguồn lực nhà nước (như cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương chủ động tham gia các hoạt động liên kết và đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng); kiến tạo hệ sinh thái tốt để các doanh nghiệp, nhà đầu tư (là những chủ thể chính) đẩy mạnh và thực hiện liên kết trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong vùng và hạn chế các xung đột triệt tiêu động lực của các địa phương trong mối quan hệ hữu cơ với nhau”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Bứt phá trong việc tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt

Về khía cạnh bứt phát, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Quy hoạch vùng cần có sự bứt phá trong việc tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt, nói cách khác là thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển gắn liền với các đặc thù của vùng, phát huy được các giá trị truyền thống, song phải đổi mới mạnh mẽ, hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển.

Một số trọng tâm và đột phá phát triển chủ yếu được đưa ra trong bản quy hoạch gồm: phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là khai thác hiệu quả mạng lưới giao thông kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng; hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị.

Đồng thời, tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp; hình thành các cụm liên kết ngành về đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu thương mại tự do với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực.

Bên cạnh đó, tập trung bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của nền văn minh sông Hồng, hình thành các trung tâm, trục di sản Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, đặc biệt là trục văn hóa sông Hồng trong tổng thể không gian văn hóa của vùng Bắc Bộ; phát triển các dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển mạnh công nghiệp văn hóa.

Quy hoạch vùng cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị, trong đó, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh gắn với phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chuỗi đô thị tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình gắn với phát triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển.

Thêm nữa là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối một số lĩnh vực như: phát triển hạ tầng, các cụm liên kết ngành, xử lý các vấn đề môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an ninh nguồn nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển nêu trên có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn tới.

Tính đến năm 2023, vùng đồng bằng sông Hồng đóng góp gần 30,4% tổng GDP, khoảng 36% kim ngạch xuất khẩu và 38% thu ngân sách của cả nước. GRDP bình quân đầu người của vùng năm 2023 khoảng 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước.

Vùng có hạ tầng phát triển bậc nhất, hệ thống đô thị và các cơ sở kinh tế tương đối mạnh, trong đó Thủ đô Hà Nội được xếp vào đô thị loại đặc biệt của cả nước.