Trong vụ đông năm 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh gieo trồng 6.000ha cây màu các loại, trong đó, tập trung chủ yếu vào cây khoai tây (1.892,8ha), cà rốt (1.401,4ha), hai cây chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh và là ''cây làm giàu'' của nông dân trong những năm gần đây.
Được mùa, giữ giá
Với gần 1.500ha, Quế Võ là địa phương có diện tích trồng khoai tây lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. Vụ đông năm nay, toàn thị xã trồng khoảng 1.500ha khoai tây, năng suất trung bình đạt 7-8 tạ/sào, trong đó năng suất khoai hàng hóa đạt 6-7 tạ/sào, còn lại là khoai dùng để làm giống.
Những ngày cận Tết, thời tiết chuyển lạnh sâu nhưng bà con nông dân ở thị xã Quế Võ vẫn ra đồng thu hoạch nốt lứa khoai tây cuối vụ.
Bà Đỗ Thị Nguyên ở thôn Thi, xã Đào Viên, thị xã Quế Võ, phấn khởi cho biết: "Từ khi trồng khoai tây vụ đông, gia đình tôi có thêm nguồn thu lớn mỗi dịp cuối năm, cao hơn vụ lúa chính. Năm nay, gia đình tôi trồng hơn 7 sào khoai tây. Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật canh tác nên diện tích khoai tây của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất hơn 6 tạ/sào, khoai thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó".
Khoai tây sau khi thu hoạch được phân loại, đóng gói ngay tại ruộng. |
Bà Nguyên nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Hơn nữa sau vụ khoai tây, đồng ruộng được cải tạo, đất tơi xốp nên vụ lúa tiếp theo rất thuận lợi, không phải mất nhiều công làm đất.
Còn với anh Nguyễn Văn Nam ở xã Bồng Lai, gắn bó với cây khoai tây vụ đông từ năm 2012, nhận thấy hướng phát triển từ giống cây ngắn ngày này, anh đã quyết định thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh, thuê lại đất của người dân để xây dựng vùng sản xuất khoai tây quy mô lớn. Vụ đông 2023, hơn 20ha khoai tây của Hợp tác xã Nông nghiệp xanh đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm bởi nhà máy chế biến PepsiCo. Mức giá bao tiêu khoảng 7.000-9.000 đồng/kg, đủ để hợp tác xã trang trải các chi phí và có lãi.
Cùng với niềm vui được mùa của nông dân Quế Võ, tại các huyện Gia Bình, Lương Tài, thị xã Thuận Thành, người trồng cà rốt vụ đông năm nay cũng rất phấn khởi khi cây trồng đạt năng suất cao, giá ổn định và dễ tiêu thụ.
Với năng suất trung bình đạt 1,3-1,5 tấn/sào, giá thu mua dao động từ 8,5-9,5 triệu đồng/sào, phần lớn diện tích cà rốt người nông dân không phải bỏ công thu hoạch bởi đã có tiểu thương đặt tiền thu mua và tự thu.
Thu hoạch cà rốt tại huyện Gia Bình. |
Vụ đông năm nay, gia đình ông Vũ Bá Trụ ở thôn Bình Than, xã Cao Đức, huyện Gia Bình gieo trồng 2ha cà rốt. Nhờ có kinh nghiệm sản xuất lâu năm, cùng với ứng dụng kỹ thuật, nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Vui hơn khi tới thời điểm thu hoạch, toàn bộ diện tích cà rốt của gia đình ông Trụ được thương lái từ Hải Dương đến thu mua tận ruộng, với giá 9,5 triệu đồng/sào. Nếu tính toàn bộ 2ha trồng cà rốt, vụ này gia đình thu về xấp xỉ 180 triệu đồng.
Nâng cao thương hiệu cây ''làm giàu'' của nông dân
Khoai tây Quế Võ được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2016, đến nay, có ba hợp tác xã nông nghiệp cùng hàng trăm hộ nông dân được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Khoai tây Quế Võ”. Đây cũng là một trong nhiều sản phẩm chủ lực được công nhận sản phẩm OCOP của thị xã Quế Võ.
Tại địa phương hiện đang hình thành các vùng sản xuất khoai tây với mô hình cánh đồng mẫu lớn có diện tích hàng trăm ha ở Đào Viên, Nhân Hòa, Quế Tân, Đại Xuân, Phù Lương, Bồng Lai, Mộ Đạo, Việt Thống.
Đồng chí Nguyễn Bá Quân, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thị xã Quế Võ cho biết, thời gian tới thị xã Quế Võ tiếp tục giữ ổn định 1.500ha khoai tây thương phẩm và mở rộng diện tích sản xuất khoai tây trong những năm tới. Đặc biệt, thị xã chỉ đạo nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn thương hiệu "Khoai tây Quế Võ".
Thị xã cũng sẽ hình thành 20 tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây bằng nhãn hiệu "Khoai tây Quế Võ", xây dựng thêm 5-7 sản phẩm OCOP từ khoai tây; củng cố hệ thống kho lạnh bảo quản khoảng 2.000 tấn khoai tây giống và 4.000-5.000 tấn khoai tây thương phẩm. Đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, thực hiện xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho cây khoai tây-đồng chí Nguyễn Bá Quân nhấn mạnh.
Nhiều công đoạn trong trồng, thu hoạch khoai tây như làm đất, lên luống, thu hoạch đã được ứng dụng cơ giới hóa. |
Trong cơ cấu cây màu vụ đông của tỉnh Bắc Ninh, cà rốt là cây trồng có diện tích lớn thứ hai sau cây khoai tây. Trái với tình trạng được mùa, rớt giá của mùa trước, vụ đông này, sau khi trừ chi phí người dân có thu nhập 3-4 triệu đồng/sào, mức giá ổn định.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian qua, những chính sách hỗ trợ cho cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao của tỉnh đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ và giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Cùng với đó, từ kinh nghiệm của bà con nông dân, có sự đồng hành của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các địa phương thường xuyên bám sát đồng ruộng, chỉ đạo kịp thời việc chăm sóc, phòng trừ sinh vật hại nên các diện tích trồng cà rốt đạt năng suất cao. Về lâu dài, cần có chính sách quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, để bà con nông dân an tâm sản xuất.
Nhiều diện tích cà rốt tại Bắc Ninh được bà con tận dụng trồng trên đất bãi. |
Vui đón Tết sau một vụ mùa bội thu, những người nông dân của tỉnh Bắc Ninh lại sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân cận kề. Đồng ruộng đã được dẫn nước đổ ải, đợi thời tiết thuận lợi để bà con xuống đồng gieo cấy.
Chịu thương, chịu khó với tư duy mới canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, cùng sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của chính quyền các cấp, những người nông dân vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc tiếp tục ‘‘bám đất’’ hy vọng một vụ mùa mới bội thu.