Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã và đang tập trung toàn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành bảy quyết định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các quận, huyện: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, trong đó, cập nhật đầy đủ các dự án tái định cư, di chuyển mộ phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với tư vấn cũng như các địa phương cắm và bàn giao gần 3.000 mốc giới của ba đoạn tuyến cho sáu quận, huyện. Ban đang cùng với các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành việc bàn giao mốc giới đối với hai đoạn tuyến còn lại.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh đã thông tin tiến độ, cũng như những vướng mắc liên quan đến dự án trên địa bàn. Đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, khó khăn nhất của Bắc Ninh là tình trạng đất bị rao bán trái thẩm quyền nhiều năm qua. Nếu phải báo cáo Trung ương để quyết định cơ chế hỗ trợ, bồi thường sẽ mất rất nhiều thời gian.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, kinh nghiệm đầu tiên trong công tác giải phóng mặt bằng là bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, chưa có dự án nào mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành riêng một chỉ thị, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt như dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Việc tái định cư, bồi thường hỗ trợ người dân trong phạm vi dự án phải có sự thống nhất. Những khu vực chênh lệch khung giá đất phải có giải pháp hỗ trợ cho bằng nhau để tránh khiếu kiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ, công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân được xác định là giải pháp quan trọng nhất nhằm đưa chính sách bồi thường được đến gần với người dân.
Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu các quận, huyện phân công rõ trách nhiệm của người đứng đầu; thành lập tổ vận động về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trực tiếp đối thoại, giải thích rõ quy định của pháp luật cho người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thắc mắc, khiếu kiện của người có đất bị thu hồi.
Đồng chí Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: “Mốc thời gian bàn giao mặt bằng cho dự án là không thể thay đổi được. Các địa phương phải mạnh dạn, chủ động xử lý các nội dung vướng mắc, chủ động bứt phá. Như với Hà Nội, lãnh đạo thành phố quyết, sai lãnh đạo thành phố chịu trách nhiệm”.