Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, bảo đảm an toàn thông tin là yếu tố quan trọng, xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia và triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp an toàn thông tin do các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ đóng vai trò hết sức quan trọng khi thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng hành cùng doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam 8 năm qua, chương trình bình chọn Chìa khóa vàng được VNISA chủ trì tổ chức đã góp phần thúc đấy nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng và tính ứng dụng của các sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam.
"Chương trình đã trở thành cầu nối tin cậy giữa những đơn vị đang có nhu cầu về bảo đảm an toàn thông tin với các tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin trong nước. Kết quả chương trình bình chọn cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá chính xác hơn về thị trường sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin và đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam một cách phù hợp", ông Nguyễn Thành Hưng nói.
Qua chương trình này, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam khuyến nghị, với các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin đã khẳng định trên thị trường, doanh nghiệp nên có hướng tiếp tục phát triển tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế nhằm từng bước phát triển thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin cần gắn với việc triển khai các hạ tầng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số được thuận lợi, hiệu quả.
Năm 2024 là lần thứ 8 Chương trình bình chọn Chìa khóa vàng được triển khai. Những năm vừa qua, Chương trình luôn thu hút được sự hợp tác, hưởng ứng và tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin. Đặc biệt là sự bảo trợ của Bộ thông tin và Truyền thông, sự phối hợp của Cục An toàn thông tin.
Chương trình nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ và doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam xuất sắc, tiêu biểu; góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, hưởng ứng chương trình “Make in Vietnam” và Chiến lược bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược dữ liệu Quốc gia đến năm 2030 của Chính phủ.
Đại diện Công ty An ninh mạng Viettel nhận danh hiệu Chìa khóa vàng 2024 ở hạng mục "Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc". |
Danh hiệu “Chìa khóa vàng” được coi là chứng chỉ chuyên ngành tin cậy, khẳng định và tôn vinh chất lượng, tính ưu việt, tính hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam xuất sắc.
Nối tiếp thành công của những năm trước, chương trình bình chọn năm 2024 đã được triển khai trên toàn quốc từ tháng 6. Hội đồng bình chọn gồm 24 thành viên, là các cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin; đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ), Cục A05 (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng)…
Chìa khóa vàng 2024 vinh danh 18 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu ở 4 nhóm hạng mục, bao gồm: Sản phẩm an toàn thông tin chất lượng cao xuất sắc, Sản phẩm an toàn thông tin triển vọng xuất sắc, Giải pháp công nghệ thông tin an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số và Dịch vụ an toàn thông tin tiêu biểu.
Chương trình năm nay cũng trao danh hiệu cho 6 lượt doanh nghiệp an toàn thông tin xuất sắc ở 4 nhóm hạng mục: Top doanh nghiệp Việt Nam về kiểm tra và đánh giá an toàn thông tin mạng, Top doanh nghiệp Việt Nam về giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, Top doanh nghiệp Việt Nam về mật mã, xác thực và chữ ký số, và Top doanh nghiệp chống mã độc và chống tấn công mạng.
Theo VNISA, kết quả bình chọn cho thấy sự trưởng thành và đa dạng của các sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin của các doanh nghiệp trong nước, với mức độ nội địa hóa và tự phát triển giải pháp khoa học kỹ thuật rất cao và hoàn toàn làm chủ công nghệ trong nhiều lĩnh vực.