Thốt nốt là loài cây đặc trưng của vùng đất núi gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống. Cây mọc trên đất ruộng, trên đất rẫy, trên lộ. Chúng thú vị bởi so với các loại cây cho trái khác chúng phân biệt cây đực cái rõ ràng: Cây cái cho trái và bông, còn cây đực chỉ cho bông.
Ngọt ngào hương vị thốt nốt
Và thời điểm này là cuối mùa thốt nốt cho trái, về vùng Bảy Núi dịp này thưởng thức món ăn từ trái thốt nốt. Cây thốt nốt cho trái kéo dài trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 11 có trái, còn nước thốt nốt có cả năm, nhưng thời điểm từ tháng 1 đến tháng 4 ngay lúc khô hạn lại cho nước ngọt nhiều nhất.
Bên cạnh bán nước thốt nốt cho du khách giải khát, người dân vùng Bảy Núi dùng nước nấu cô đặc thành đường thốt nốt cung ứng cho thị trường là nghề chính.
Để có mẻ đường chất lượng thì người nấu phải đứng canh, khuấy đường và vớt bọt liên tục. Khi đường gần thành phẩm thì phải khuấy liên tục, đến khi đường có màu vàng đặc trưng là đạt yêu cầu.
Anh Lê Văn Thảo cheo leo trên đọt cây lấy nước thốt nốt. |
Từ huyện Tri Tôn đến thị xã Tịnh Biên, hai bên đường đâu đâu cũng có hàng quán bán nước thốt nốt, các mặt hàng chế biến từ chúng như: Đường sệt thốt nốt, đường cục, mứt, nước màu thốt nốt…
Vào cao điểm tháng giêng đến tháng 5, du khách đến vùng Bảy Núi vui chơi đông đảo nên các hàng quán luôn đắt khách.
Chủ quán là người Kinh, đồng bào Khmer luôn đón khách với nụ cười tươi. Khách tấp vào quán, nằm võng nghỉ ngơi, uống ly nước thốt nốt ngọt ngào và không bao giờ sợ bị chặt chém giá cả.
Cây thốt nốt cao từ 10m trở lên nên sơ sẩy có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. |
Chúng tôi vào quán thốt nốt của Tuấn Kiệt, phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên. Bên trong quán khá nhiều người, anh Phan Văn Thu, chủ quán đang nhanh tay dùng dao chẻ trái thốt nốt lấy thịt bán cho khách. Trái thốt nốt có màu tím sậm, bên trong có các múi màu trắng đục được gọi là thịt thốt nốt.
Để lấy được các múi thịt thì người chẻ thốt nốt phải lành nghề, nếu không sẽ chặt nát vụn lớp thịt thốt nốt. Thịt thốt nốt ăn liền tại chỗ rất ngon nên du khách rất thích, ngoài ra thịt thốt nốt nấu chè với mùi vị riêng đặc trưng đã được nhiều nơi khai thác.
Ông Thu cho biết, 1kg thịt thốt nốt hiện tại giá 50 nghìn đồng, qua tháng 7, hết mùa cho trái nhưng vài cây cho trái với số lượng ít nên bán 1kg thịt từ 100 nghìn đồng trở lên. Còn nước thốt nốt tùy theo chỗ bán 1 chai loại 1,5 lít giá 20 nghìn đồng trở lên, chai 750ml giá 12 nghìn đồng/chai trở lên, đường viên tròn 50 nghìn đồng/1kg.
Thốt nốt được nhiều du khách ưa chuộng do hương vị ngọt ngào. |
Ông Thu có trên 10 năm sống bằng nghề bán thốt nốt nên khá rành rẽ loại cây này. Cầm trái thốt nốt trên tay, ông chỉ :“Một trái thốt nốt cho nhiều nhất là 4 múi thịt nhưng hiếm lắm, còn lại cho 3 múi, 2 và 1 múi. Để biết trái có bao nhiêu múi thịt thì phải nhìn các lá trên trái”.
Ông Thu nói thêm, nói đến thốt nốt thì không thể bỏ qua bánh bò thốt nốt - cũng là đặc sản của vùng Bảy Núi. Để có nguyên liệu làm bánh bò, người ta phải đợi cho trái thốt nốt già chín rồi tự rụng xuống, khi đó vỏ trái có màu hồng hồng và tỏa mùi thơm rất dễ chịu. Người ta mới chà lớp vỏ ngoài cho nhuyễn ra thành bột mịn để làm bánh bò ngon nổi tiếng.
Hiểm nguy nghề trèo cây thốt nốt
Nhìn ông Thu chẻ trái thốt nốt, nhiều du khách khen khéo tay và thử chẻ trái nhưng đều không thành. Ông Thu nói, lúc đầu ông cũng lúng túng nhưng làm vài ngày quen dần rồi thạo việc luôn.
Tuy nhiên, theo ông, làm gì thì làm chứ ông không dám trèo cây thốt nốt lấy nước và trái vì nghề này cực kỳ nguy hiểm, cây thốt nốt cao từ 10m trở lên nên trèo sơ sẩy có thể bị té từ trên cao rơi xuống, dẫn đến tàn phế hoặc mất mạng.
Trái thốt nốt có nhiều múi hay ít tùy theo lớp lá trên trái. |
Theo lời chỉ của ông Thu, chúng tôi đến khóm Sơn Đông, phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên đã thấy bóng anh Lê Văn Thảo cheo leo trên đọt cây thốt nốt. Anh Thảo đeo dao bén để lên đọt cắt bông thốt nốt cho ứa nước.
Bên hông, anh đeo can nhựa dùng để hứng nước thốt nốt từ bông nhiễu vào. Mỗi ngày, đều đặn trong buổi sáng, anh Thảo leo lên cây đặt can nhựa cho nước thốt nốt nhiễu vào. Đến chiều, nước nhiễu đầy can, anh lại leo lên thu hoạch sản phẩm và thay bằng can nhựa khác hứng nước.
Cây thốt nốt đặc trưng của vùng Bảy Núi. |
Anh Thảo cho biết, cây đực và cái đều cho nước từ bông, nhưng cây đực cho nước nhiều hơn. Để trèo lên cây thốt nốt, những người trèo cây như anh Thảo dùng những cây tre già có mắt lớn mọc hai bên cột chặt vào thân cây thốt nốt mà dân trong nghề gọi là “cây đài” để làm cây thang leo lên cây.
Nhìn anh Thảo cẩn thận, từng bước đặt chân lên các mắt tre, leo lên đọt cây thốt nốt cao trên 15m, chúng tôi không khỏi rùng mình và mới hiểu câu nói của ông Thu: “Nghề trèo cây thốt nốt nguy hiểm lắm”.
Nước thốt nốt cho hương vị ngọt ngào. |
Hàng cây thốt nốt anh Thảo trèo mọc liền thành hàng dài, ở những cây gần nhau, anh Thảo bắc cây tre dài nối trên các đọt cây thốt nốt để làm cầu thang đi qua lại lấy nước thốt nốt. Thảo cho biết, làm vậy để khỏi phải nhiều lần trèo lên xuống cực nhọc.
Nói về nghề mình, anh cười: “Nghề này rất vất vả và kén người, trèo cây phải cẩn thận từng chút, nếu không bị té ngã từ trên cao xuống là hậu quả khó lường lắm. Tôi phải thường kiểm tra cây đài, các mắt tre xem có bị hư mục không để thay thế cây khác”.
Nhìn anh leo xuống chân chạm đất, mặt thở phào, lưng đẫm mồ hôi, chúng tôi biết anh cố tránh không nói về những tai nạn mà bạn trong nghề như anh gặp phải.
Thịt thốt nốt ăn rất ngon và dùng để nấu chè, làm mứt, bánh bò |
Trên tay Thảo là các can nhựa bên trong nước thốt nốt màu trắng đục bốc mùi thơm lừng. Thảo bỏ vào mấy lát cây mỏng để trong bình chứa nước thốt nốt, cho biết đó là vỏ cây sến, để sến vào trong bình thì nước thốt nốt mới ngon, không bị hỏng, nếu không để thì nước sẽ bị chua.
Thảo cho biết, hàng cây thốt nốt anh trèo thuộc quyền quản lý của Miếu Bà Chúa xứ Bàu Mướp và cho anh sử dụng lấy nước thốt nốt miễn phí. Anh cho biết, nhờ vậy mà cuộc sống cũng bớt cơ cực từ nguồn thu bán nước và trái thốt nốt.