Năm kỷ lục về thỏa thuận thương mại Mỹ-châu Phi

Hàng trăm thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá 14,2 tỷ USD giữa Mỹ và các quốc gia châu Phi được ký kết trong năm 2023, đánh dấu một năm kỷ lục về thỏa thuận thương mại hai bên. Kết quả có được tạo thêm động lực hợp tác cho hai phía, trong bối cảnh Washington không ngừng nỗ lực khẳng định cam kết về chiến lược kinh tế “đôi bên cùng có lợi” với các quốc gia “lục địa đen”.
0:00 / 0:00
0:00
Chốt kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. (Ảnh: TTXVN)
Chốt kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển Durban, Nam Phi. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp báo trực tuyến được tổ chức sau một năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi tháng 12/2022, Điều phối viên của sáng kiến thương mại “Châu Phi thịnh vượng” do Mỹ phát động British Robinson cho biết, trong năm 2023, Mỹ và châu Phi đã ký kết khoảng 550 thỏa thuận thương mại và đầu tư, tăng 67% so với năm 2022 về số lượng và giá trị các giao dịch.

Cũng tại họp báo, cố vấn hàng đầu về châu Phi của Tổng thống Mỹ Judd Devermont nhấn mạnh, Mỹ và châu Phi đã có một năm kỷ lục trong quan hệ hợp tác. Theo đó, Washington đã thực hiện hơn 40% số cam kết đưa ra vào tháng 12/2022 là đầu tư 55 tỷ USD vào “lục địa đen” trong vòng ba năm. Ông Devermont đồng thời dự báo, vào cuối năm thứ hai, ít nhất 70% số mục tiêu đề ra sẽ “về đích”.

Quan hệ đối tác thương mại giữa Mỹ và châu Phi tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ thời gian qua. Tháng 7/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về việc khôi phục sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”, với trọng tâm là tăng cường thương mại và đầu tư giữa Mỹ và các nước châu Phi.

Vào thời điểm đó, Mỹ cho biết sáng kiến tập trung vào việc cải thiện thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giải pháp năng lượng và khí hậu, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Các cơ quan chính phủ Mỹ hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến có nhiệm vụ cung cấp hỗ trợ và kết nối các nhà đầu tư từ Mỹ và châu Phi.

Tháng 12/2022, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, Washington đã cam kết đầu tư 55 tỷ USD vào “lục địa đen” trong vòng ba năm. Trong năm 2023, hàng loạt chuyến thăm tới các nước châu Phi được giới chức Mỹ thực hiện, đáng chú ý là các chuyến công du của Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen…, khẳng định Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Phi.

Washington cũng nhấn mạnh cam kết về chiến lược kinh tế “đôi bên cùng có lợi” với “lục địa đen”, đồng thời hỗ trợ các quốc gia châu Phi có thêm tiếng nói tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Nhìn lại nỗ lực hiện thực hóa các cam kết đưa ra đối với châu Phi, Nhà trắng khẳng định, kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi tháng 12/2022, chính quyền Washington đã có một năm gắn kết đặc biệt với châu Phi.

Trong năm 2023, Mỹ hoan nghênh Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của G20. Tích cực mở rộng quan hệ đối tác thương mại và đầu tư với châu Phi, Washington cũng thúc đẩy mạnh mẽ các khoản đầu tư lớn vào an ninh lương thực và y tế, cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa ra sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác an ninh và quản trị…

Mỹ cũng tăng cường mối quan hệ văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế giữa các cộng đồng châu Phi, cộng đồng người châu Phi trên toàn cầu và ở Mỹ, nhằm khẳng định cộng đồng người châu Phi là nguồn sức mạnh và nền tảng cho mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và châu Phi trong thế kỷ 21.

Nhà trắng khẳng định, kết quả từ những dự án Mỹ đầu tư vào châu Phi có tác động rõ rệt đến cuộc sống và sinh kế của người dân cả ở Mỹ và châu Phi. Những thành tựu mới, trong đó đáng chú ý là con số kỷ lục về giá trị thỏa thuận thương mại trong năm 2023 tạo thêm xung lực cho hợp tác giữa chính quyền Washington và “lục địa đen” thời gian tới. Hướng tới những kế hoạch mới, cùng mục tiêu hoàn thành cam kết đưa ra, Nhà trắng nhấn mạnh tiếp tục tập trung toàn lực để đưa quan hệ với châu Phi không ngừng phát triển mạnh mẽ, thực chất.