Chặn kịch bản “thập niên mất mát”

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cảnh báo, đến cuối thập niên này, tăng trưởng trung bình của kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua. Nếu các quốc gia không đẩy nhanh áp dụng các chính sách định hướng tăng trưởng bền vững, kinh tế thế giới sẽ không tránh khỏi kịch bản “thập niên mất mát”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ADAM
Biếm họa: ADAM

Trong báo cáo công bố hồi đầu tuần, WB dự báo tăng trưởng tiềm năng kinh tế thế giới trung bình giai đoạn 2022-2030 chỉ ở mức 2,2% mỗi năm, giảm nhẹ so tốc độ tăng trưởng 2,6% của thập niên 2011-2021 và thấp hơn nhiều so mức 3,5% trong giai đoạn 2000-2001. WB cảnh báo, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu đang chậm lại trên diện rộng; nếu không được đảo ngược, tiến trình này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng ứng phó biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo trên thế giới.

Theo WB, các cuộc khủng hoảng đa chiều và liên tiếp vài năm gần đây đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới trong hơn hai thập niên qua. Sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhất là đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, cùng rủi ro trong lĩnh vực tài chính ở Mỹ và châu Âu, đang khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. WB từng dự báo, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm 2023.

Khẳng định theo dõi sát diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng, WB cũng nêu lo ngại rằng, làn sóng tăng lãi suất và thắt chặt điều kiện tài chính đang khiến chi phí đi vay tăng mạnh tại các nền kinh tế đang phát triển. Giám đốc Bộ phận dự báo thuộc WB Ayhan Kose nhận định: Sự giảm tốc kinh tế thế giới có thể trầm trọng hơn nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng đó dẫn tới suy thoái kinh tế.

Theo WB, đầu tư toàn cầu và thương mại quốc tế cũng chậm lại. Tăng trưởng đầu tư giai đoạn 2022-2024 chỉ bằng một nửa tốc độ của 20 năm trước. Mức độ đầu tư thấp sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển, với GDP chỉ tăng 4% trong giai đoạn 2022-2030, thấp hơn các mức 5% và 6% của hai thập niên trước đó. WB cũng lo ngại, năng suất lao động có thể tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2000, qua đó kéo tụt tăng trưởng thu nhập.

Nhà kinh tế trưởng, Phó Chủ tịch WB Indermit Gill nêu rõ: Nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào một “thập niên mất mát”. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng tiếp tục suy giảm, tác động nghiêm trọng đến việc giải quyết một loạt thách thức lớn của thời đại, như nghèo đói và biến đổi khí hậu.

WB chỉ rõ, nếu không thể đảo ngược xu hướng giảm tốc tăng trưởng kinh tế thế giới, khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu, như Trái đất ấm lên hay khoảng cách giàu nghèo, sẽ bị hạn chế rất nhiều. Để thay đổi quỹ đạo tăng trưởng, theo WB, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định khu vực tài chính, nỗ lực giảm nợ và khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực thân thiện môi trường. Chẳng hạn, việc gia tăng “đầu tư xanh” trong giao thông vận tải, năng lượng, sản xuất và nông nghiệp thông minh, cũng như các hệ thống đất và nước, có thể thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng của kinh tế toàn cầu thêm 0,3% mỗi năm.

Việc giảm chi phí vận chuyển, dịch vụ logistics và đơn giản hóa thủ tục, quy định cũng có thể thúc đẩy thương mại. Việc đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số có thể giúp nâng cao năng suất, cũng như tỷ lệ phụ nữ và các thành phần khác tham gia lực lượng lao động. Qua đó, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế thế giới có thể được bổ sung 0,2 điểm phần trăm vào năm 2030. Nỗ lực hợp tác quốc tế thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực phát triển bền vững cũng đóng góp lớn nâng tăng trưởng tiềm năng kinh tế toàn cầu.

Báo cáo của WB nhấn mạnh, việc nhanh chóng thay đổi, đẩy mạnh chính sách phát triển bền vững sẽ giúp củng cố niềm tin về tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Để ngăn chặn kịch bản “thập niên mất mát” xảy ra, câu trả lời nằm ở những giải pháp nhằm tận dụng thay đổi cơ cấu mà mỗi quốc gia có thể thực hiện để duy trì động lực của nền kinh tế.