Châu Phi, vươn lên trong vị thế mới

Có một sự thay đổi đáng kinh ngạc đang diễn ra ở châu Phi, nơi dân số được dự đoán sẽ tăng gần gấp đôi, lên 2,5 tỷ người trong 25 năm tới. Đó, được dự đoán, sẽ là một kỷ nguyên không chỉ biến đổi nhiều quốc gia châu Phi, mà còn định hình lại hoàn toàn mối quan hệ của họ với thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân may ở Ethiopia làm việc cho các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Ảnh: WSJ
Công nhân may ở Ethiopia làm việc cho các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Ảnh: WSJ

Sức trẻ từ Lục địa Ðen

Sự bùng nổ số trẻ sơ sinh ở châu Phi vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng, biến nơi đây thành lục địa có dân số trẻ nhất và tăng nhanh nhất trên Trái đất. Năm 1950, người châu Phi chiếm 8% dân số thế giới. Theo dự báo của Liên hợp quốc, một thế kỷ sau, họ sẽ chiếm một phần tư nhân loại và ít nhất một phần ba tổng số thanh niên từ 15 đến 24 tuổi. Độ tuổi trung bình ở châu Phi là 19. Ở Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, con số này là 28 tuổi. Còn tại hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh, Trung Quốc và Mỹ, độ tuổi trung bình là 38.

Trong thập niên tới, châu Phi sẽ có lực lượng lao động lớn nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc và Ấn Độ. Thanh niên châu Phi cũng đang được giáo dục tốt hơn và kết nối nhiều hơn bao giờ hết: 44% tốt nghiệp trung học vào năm 2020, tăng từ 27% so năm 2000, và khoảng 570 triệu người sử dụng internet.

"Cơn động đất trẻ" này, như một số người gọi, không hiện hữu ở mọi khu vực thuộc châu Phi, một lục địa có diện tích lớn hơn Trung Quốc, châu Âu và Australia, với vô số nền văn hóa và khoảng 54 quốc gia có mức độ phát triển rất khác nhau. Song, những dấu hiệu đầu tiên của sự chuyển mình đã có thể thấy ngay bây giờ, trong những ngày đầu năm 2024.

Nó vang vọng trong sự nhộn nhịp của các thành phố đang phát triển thần tốc ở châu Phi, khiến nơi đây trở thành lục địa đô thị hóa nhanh nhất trên Trái đất. Nó cũng vang lên trong các sân vận động đông đúc ở London hay New York, nơi các nhạc sĩ đến từ châu Phi đang "làm mưa làm gió" trong thế giới nhạc pop. Và nó thể hiện rõ ràng trong ánh sáng màn hình của 670 triệu chiếc điện thoại di động ở Lục địa Đen, khi cứ mỗi giây người dân lục địa này lại mua thêm một chiếc. Những thiết bị kết nối internet đang đi vào mọi mặt đời sống, phát động các cuộc cách mạng trong xã hội, và nuôi dưỡng những giấc mơ.

Các doanh nghiệp lớn nhất thế giới cũng dồn sức theo đuổi hàng chục triệu người tiêu dùng mới đang tăng lên hằng năm của châu Phi, với các thị trường chưa được khai thác về mỹ phẩm, thực phẩm hữu cơ, thậm chí cả rượu champagne. Hilton có kế hoạch mở 65 khách sạn mới trên lục địa này trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng Credit Suisse ước tính: Số triệu phú ở châu lục này tăng nhanh nhất trên hành tinh, dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 768.000 người vào năm 2027.

Vị thế và những trở ngại

Các chuyên gia cho rằng làn sóng nhân khẩu học hiện nay sẽ biến châu Phi trở thành mối quan tâm hàng đầu của thế kỷ 21, có vai trò quan trọng với những thảo luận về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và di cư. Tầm ảnh hưởng chính trị của châu Phi, vì thế, cũng đang tăng lên.

Các nhà lãnh đạo từ Lục địa Đen được chào đón tại những hội nghị cấp cao hào nhoáng, do các cường quốc nước ngoài muốn được chia sẻ trữ lượng khoáng sản khổng lồ cần thiết mà châu Phi sở hữu. Rừng nhiệt đới lớn ở Trung Phi cũng là một trong những lá phổi quan trọng nhất của thế giới. Và, tài nguyên này cũng đang là thỏi nam châm thu hút những cường quốc thèm khát nguồn bù đắp carbon.

Trên các diễn đàn của thế giới, nhờ sự lựa chọn ngày càng tăng về các đối tác, bao gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh, những nhà lãnh đạo châu Phi đang từ chối hình ảnh nạn nhân, đồng thời yêu cầu có được tiếng nói lớn hơn. Vào tháng 9, Liên minh châu Phi (AU) đã gia nhập Nhóm G20, diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế, ngồi cùng bàn với Liên minh châu Âu (EU). Liên minh châu Phi và Cộng đồng Caribe (Caricom) hồi tháng 11 cũng đạt được sự đồng thuận trong việc thành lập quỹ bồi thường toàn cầu cho chế độ nô lệ trong quá khứ. Họ kêu gọi các quốc gia châu Âu xin lỗi chính thức vì những gì đã gây ra trong thời kỳ thực dân.

Tất nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản châu Phi tận dụng sức trẻ của mình để cất cánh. Bất ổn chính trị, đặc biệt là ở những khu vực như Sahel (dải đất ở Trung và Tây Phi) đang phá hỏng nhiều nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, nạn thất nghiệp cũng vẫn còn là một căn bệnh kinh niên của châu Phi.

Trong những thập niên 70-80 của thế kỷ trước, khi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có được động cơ là tăng trưởng dân số, các nhà máy của họ tràn ngập những người trẻ sản xuất quần áo, ô-tô và TV... Nó làm cho những quốc gia này trở nên giàu có, và giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Châu Phi không dễ học theo kỳ tích đó. Ngoài Nam Phi và một số quốc gia ở Bắc Phi, hầu hết lục địa này đã thất bại trong quá trình công nghiệp hóa. Đối với vô số thanh niên châu Phi thất nghiệp và chán nản, chỉ còn lại một lựa chọn tốt: Di cư tới Mỹ và châu Âu. Hằng năm, hàng chục nghìn bác sĩ, y tá, học giả và những người di cư có tay nghề cao khác phải rời bỏ lục địa này. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ít nhất một triệu người châu Phi từ phía nam Sahara đã chuyển đến châu Âu kể từ năm 2010.

Cơ sở hạ tầng là một trở ngại lớn khác. 600 triệu người châu Phi, tức bốn phần mười dân số, thiếu điện. Theo báo The New York Times, một chiếc tủ lạnh trung bình ở Mỹ tiêu thụ nhiều điện năng hơn một người dân châu Phi trong một năm. Các tuyến đường bộ và đường sắt chính thường dẫn đến các bờ biển, một di sản của chủ nghĩa thực dân khai thác, ngăn cản thương mại giữa các quốc gia.

Dù vậy, khi mà cứ bốn người trên hành tinh sẽ có một người đến từ châu Phi, thì những vấn đề của lục địa này cũng sẽ là vấn đề của thế giới. Và vì thế, chúng ta vẫn phải nói về châu Phi, nhiều hơn bất cứ lúc nào trong quá khứ. Edward Paice, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi ở London (Anh) và là tác giả cuốn sách "Youthquake: Why African Demoography Should Matter to the World", cho biết: "Châu Phi đang bước vào thời kỳ thay đổi thật sự đáng kinh ngạc". Ông nói thêm: "Thế giới đang thay đổi. Và chúng ta cần bắt đầu hình dung lại vị trí của châu Phi trong đó".