Thời điểm giữa tháng 5, châu chấu tre lưng vàng chỉ gây hại trên rừng vầu, nứa, tre, đến nay chúng đã ăn vào cả cây lương thực như ngô. Bà con đã tổ chức phòng trừ, tuy nhiên một số khu vực có châu chấu mật độ lớn, nguy cơ gây hại vẫn rất cao.
Châu chấu tre lưng vàng đã gây hại trên diện tích rừng vầu, tre, nứa ở các xã Thuần Mang (Ngân Sơn); xã Kim Hỷ, Lương Thượng, Văn Vũ (Na Rì) và xã Vũ Muộn (Bạch Thông).
Hiện tại, đã có khoảng 1ha ngô, cỏ voi ở Vũ Muộn (Bạch Thông) và Kim Hỷ (Na Rì) bị châu chấu gây hại, một số diện tích bị châu chấu ăn trụi lá.
Tổng diện tích vầu, tre, nứa và cây nông nghiệp bị châu chấu tre lưng vàng gây hại ở Bắc Kạn hiện đã lên tới khoảng 80ha tại các huyện Ngân Sơn, Na Rì và Bạch Thông.
Một ngọn cây vầu bị châu chấu tre lưng vàng ăn trụi lá. (Ảnh: THU TRANG) |
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Bắc Kạn, châu chấu tre lưng vàng là sinh vật gây hại định kỳ. Ấu trùng xuất hiện trên cỏ hoặc rừng tre thấp, bước sang tuổi thứ 3-4 châu chấu bò lên cây, hoạt động mạnh dưới độ ẩm 60%. Khi mật độ cao ở giai đoạn nhỏ tuổi chúng co cụm thành từng đàn và có thể gây thiệt hại mạnh. Châu chấu trưởng thành có thể di chuyển từ 40-60km.
Hiện, giai đoạn tuổi trưởng thành của châu chấu từ 4-5 tuổi, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 700-800 con/m2, cá biệt 1.000 con/m2. Nguy cơ châu chấu sinh trưởng mạnh, gây hại cây trồng là rất lớn.
Sẵn sàng phương án phòng trừ châu chấu tre ở Điện Biên
Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Bắc Kạn khuyến cáo người dân theo dõi hướng di chuyển của đàn châu chấu để có phương án chủ động phòng, chống kịp thời.
Trên các diện tích cây vầu châu chấu có mật độ cao hoặc khi châu chấu có nguy cơ di chuyển xuống gây hại lúa, ngô, dong riềng và cây trồng khác cần tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Lufen extra 1005EC, Neretox 95WP, Anvado 100WP...
Người dân nên tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, bao vây chung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực, tránh để chúng phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát.