Theo báo cáo do Liên minh Công đoàn châu Âu (ETUC) công bố ngày 6/9, hóa đơn điện và khí đốt tăng cao vượt khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.
ETUC nêu rõ, chi phí năng lượng trung bình hằng năm hiện cao hơn mức lương hằng tháng của người lao động có thu nhập thấp tại hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU).
Cùng ngày, Chính phủ Italia công bố quy định mới về tiết kiệm năng lượng, theo đó yêu cầu rút ngắn thời gian sưởi ấm và hạ mức nhiệt tại các tòa nhà công cộng và khu dân cư.
Chính phủ Hungary đề ra mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt, theo đó hạ tỷ lệ khí đốt trong tiêu thụ năng lượng còn 26% vào cuối năm nay, từ mức 35% năm 2021.
Chính phủ Anh cũng lên kế hoạch triển khai gói hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó tình trạng giá năng lượng cao.
Nhiều nước tăng cường chia sẻ và hợp tác nhằm chống chọi khủng hoảng. Truyền thông Séc đưa tin, từ hôm nay 8/9, Séc bắt đầu nhận khí đốt từ một cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Hà Lan. Séc và Ba Lan gia hạn thỏa thuận hợp tác về hệ thống đường ống dẫn khí đốt kết nối hai nước.
Chính phủ Ðức cam kết cấp bổ sung điện cho Pháp, trong khi Paris cũng khẳng định sẵn sàng vận chuyển thêm dầu cho Berlin. Tại cuộc gặp ngày 6/9, Tổng thống Slovakia và Thủ tướng Hy Lạp nhất trí phối hợp thúc đẩy giải pháp của EU nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá năng lượng, cũng như giảm áp lực về chi phí nhiên liệu tăng cao.
Theo kế hoạch, tại cuộc họp bất thường ngày mai (9/9), các Bộ trưởng Năng lượng EU bàn về đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) áp mức giá trần năng lượng trong EU, nhằm hỗ trợ người dân và ngành công nghiệp châu Âu, trong bối cảnh giá khí đốt và điện tăng cao, tác động mạnh tới nền kinh tế khu vực.