Châu Âu nỗ lực mang đến không gian mạng lành mạnh cho người dùng

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 vừa qua, cho thấy nỗ lực của châu Âu nhằm xây dựng không gian trực tuyến an toàn, lành mạnh cho người dùng. Trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng mạnh mẽ, xu hướng tăng cường kiểm soát các nền tảng trực tuyến ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận.
0:00 / 0:00
0:00

DSA được đánh giá là một trong những bộ luật tham vọng nhất của EU về kiểm soát nội dung trực tuyến, thông qua việc áp đặt những nghĩa vụ quan trọng với các nền tảng trực tuyến. Các quy định trong DSA hướng tới cấm hoạt động quảng cáo có chủ đích nhắm vào trẻ em hoặc dựa trên dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, chủng tộc, quan điểm chính trị. Những hành vi lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty cũng sẽ bị cấm...

Hồi tháng 4 vừa qua, EU đã công bố danh sách 19 nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm lớn phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt. Các nền tảng có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu không tuân thủ luật, thậm chí bị cấm hoàn toàn ở thị trường EU nếu vi phạm nhiều lần.

Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của đạo luật mới này trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay. Mạng xã hội là nơi kết nối con người, nhưng cũng là nơi lan truyền nhiều thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng hay các thông tin kích động bạo lực. Đặc biệt, đối tượng trẻ em, thanh niên là nhóm khách hàng trọng tâm của nhiều nền tảng trực tuyến. Bởi vậy, câu chuyện làm sao để ngăn chặn tác động của các nội dung độc hại tới nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này luôn thu hút sự chú ý của dư luận.

Các quy định trong Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) hướng tới cấm hoạt động quảng cáo có chủ đích nhắm vào trẻ em hoặc dựa trên dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, chủng tộc, quan điểm chính trị. Những hành vi lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty cũng sẽ bị cấm...

Các lãnh đạo EU bày tỏ tự hào và kỳ vọng rằng, cùng với một số đạo luật khác, DSA sẽ mở ra kỷ nguyên mới về luật công nghệ, mà ở đó, các công ty công nghệ phải chủ động chứng minh là họ tuân thủ luật pháp. Dư luận cũng hoan nghênh nỗ lực mang đến không gian mạng lành mạnh cho người dùng. Ông Andrea Renda, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở ở Brussels (Bỉ), nhận định DSA là bộ luật mang tính bước ngoặt. Giáo sư luật công nghệ Suzanne Vergnolle tại Paris (Pháp) cho rằng, DSA là một phần trong chiến lược thúc đẩy trao nhiều quyền hơn cho các cá nhân, cơ quan quản lý và xã hội dân sự.

Các “ông lớn công nghệ” đang gấp rút thực hiện một loạt thay đổi để tuân thủ những quy định chặt chẽ hơn của EU. Công ty Meta thông báo, những người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu sẽ có thêm quyền kiểm soát về cách thức xem nội dung trên các trang mạng xã hội này. Chẳng hạn, người dùng có thể lựa chọn xem các nội dung trên Story chỉ từ những người mà họ theo dõi. Meta cũng sẽ cung cấp thông tin nhiều hơn về cách hệ thống trí tuệ nhân tạo của công ty xếp hạng nội dung trên các trang Facebook và Instagram.

Google đưa ra cam kết mới về cải thiện độ minh bạch trong khâu kiểm duyệt nội dung của mọi dịch vụ, nền tảng mà công ty công nghệ này cung cấp. Cụ thể, Google sẽ mở rộng hoạt động của trung tâm dữ liệu “Ads Transparency Center”, chuyên cung cấp thông tin cho người dùng về hoạt động quảng cáo có chủ đích, đồng thời trao quyền truy cập đặc biệt cho các nhà nghiên cứu để giúp họ hiểu hơn về hoạt động thực tế của công ty này.

Việc các nền tảng công nghệ chủ động thực hiện thay đổi sao cho đáp ứng các quy định trong DSA được giới chuyên gia đánh giá là bước đi đúng hướng. Bởi theo các chuyên gia, mặc dù hiện chỉ áp dụng ở châu Âu, nhưng các quy định mới sẽ nhanh chóng được lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Các quy định của Brussels thường được tham khảo tại nhiều khu vực khác.

Với việc triển khai DSA, EU đang cho thấy vai trò tiên phong trong tăng cường quản lý các công ty công nghệ. Thành công trong việc áp dụng các quy định mới của EU sẽ thúc đẩy xây dựng những bộ luật tương tự trên toàn cầu, nâng cao trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến, giúp môi trường mạng trở nên lành mạnh, an toàn hơn.