Châu Âu chật vật với khủng hoảng năng lượng

Tình trạng thiếu nguồn cung và dự trữ năng lượng cạn kiệt đẩy các nước Liên minh châu Âu (EU) vào tình trạng khó khăn chồng chất ngay trước thềm mùa đông khắc nghiệt. Trong khi chờ thống nhất giải pháp chung của khối, các nước thành viên tìm mọi cách chống chọi, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
0:00 / 0:00
0:00
Giá xăng dầu tại châu Âu đã tăng hơn 30%. Ảnh: EURONEWS
Giá xăng dầu tại châu Âu đã tăng hơn 30%. Ảnh: EURONEWS

Áp lực từ hóa đơn nhiên liệu

Trong báo cáo mới nhất công bố hồi đầu tuần, Liên minh Công đoàn châu Âu (ETUC) báo động về tình cảnh hóa đơn điện và khí đốt tăng cao trên khắp châu lục. Kết quả khảo sát cho thấy, chi tiêu cho năng lượng trung bình hằng năm hiện nay đang cao hơn mức lương hằng tháng của người lao động thu nhập thấp tại hầu hết các nước thành viên EU. Theo ETUC, hiện có khoảng 9,5 triệu người lao động gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn năng lượng. Chi phí năng lượng trong tháng 7 vừa qua tăng 38% so mức cùng kỳ năm trước. Nhiều khả năng giá năng lượng còn tăng trong những tháng tới, nếu các chính phủ không khẩn trương hành động.

Nghiên cứu của các chuyên gia Czech cũng chỉ ra rằng, giá năng lượng đã tăng mạnh từ đầu năm 2022. Trong đó, giá khí đốt tăng hơn 170%, giá dầu tăng gần 30%, giá điện tại một số thị trường thậm chí tăng gần chục lần. Nhà phân tích người Czech Stepan Hajek cho rằng, giá năng lượng tăng cao là vấn đề nóng nhất hiện nay đối với các nền kinh tế châu Âu. Nguồn cung khí đốt bị cắt giảm, cộng thêm lo ngại về khả năng Nga ngừng hoàn toàn việc cấp khí đốt đã đẩy giá năng lượng xanh tăng ở mức chưa từng có.

ETUC kêu gọi giới chức phụ trách vấn đề năng lượng của EU có hành động khẩn cấp và mang tính quyết định, nhằm đảo chiều đà tăng giá năng lượng bất thường ở châu Âu. Liên minh các tổ chức công đoàn kiến nghị các nhà lãnh đạo EU thống nhất áp dụng mức trần hóa đơn năng lượng cho người tiêu dùng, đồng thời có hỗ trợ cụ thể cho người lao động có thu nhập thấp. ETUC cũng kêu gọi EU có biện pháp nhằm bảo đảm thu nhập và việc làm, tăng lương cho người lao động, đồng thời áp thuế lợi nhuận đối với các tập đoàn năng lượng.

Tìm giải pháp khẩn cấp

Báo cáo khảo sát được ETUC đưa ra ngay trước thềm cuộc họp bất thường của các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến diễn ra vào ngày 9/9, nhằm thảo luận các biện pháp khẩn cấp để hạ nhiệt cơn sốt giá năng lượng, trong đó có đề xuất áp giá trần năng lượng trong EU. Chia sẻ trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Usula von der Layen cho biết, EC đang tính toán các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người dân và ngành công nghiệp trong bối cảnh giá điện và khí đốt tăng cao, gây “cú sốc” cho nền kinh tế EU. Trong đó, các giải pháp hướng tới mục tiêu giảm giá khí đốt nhập khẩu, hạn chế nhu cầu tiêu thụ và sử dụng doanh thu từ các công ty năng lượng để hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Trong khi giải pháp chung của EU chưa được thống nhất, các nước thành viên triển khai các biện pháp tạm thời nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu và chi phí sinh hoạt ngày một nghiêm trọng. Ngày 4/9, Chính phủ Đức thông qua kế hoạch hỗ trợ tài chính, trị giá 65 tỷ euro, nhằm giảm áp lực cho các gia đình về chi phí năng lượng và sinh hoạt trong bối cảnh giá cả tăng cao, lạm phát kéo dài. Một loạt các giải pháp hỗ trợ khác cũng được triển khai, như giảm giá vận tải công cộng, giảm thuế cho các công ty năng lượng nhằm giảm giá điện, khí đốt và dầu cho người tiêu dùng...

Hưởng ứng mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt của EU, ngày 6/9, Bộ Chuyển đổi sinh thái của Italy công bố quy định mới về tiết kiệm năng lượng trong mùa đông tới, trong đó điều chỉnh rút ngắn thời gian và hạ mức nhiệt độ sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng, khu dân cư. Tại Anh, tân Thủ tướng Liz Truss cũng có kế hoạch triển khai gói hỗ trợ trị giá 40 tỷ bảng Anh, giúp các doanh nghiệp ứng phó tình trạng chi phí năng lượng tăng cao.

Hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu là Pháp và Đức tuyên bố sẽ hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng và bảo đảm nguồn cung nhiên liệu tối thiểu cho mùa đông tới. Trong cuộc hội đàm trực tuyến hôm 5/9 giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phía Đức cam kết cung cấp điện bổ sung cho Pháp và Paris sẵn sàng chuyển thêm khí đốt cho Berlin, nếu cuộc khủng hoảng còn kéo dài.