(Ảnh: Tech.co)
(Ảnh: Tech.co)

ChatGPT đang được sử dụng thế nào trong các doanh nghiệp?

NDO - Không thể phủ nhận rằng các công cụ chatbot AI như ChatGPT đang thay đổi hoàn toàn cách chúng ta làm việc. Kể từ khi ứng dụng xử lý ngôn ngữ này ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, các cuộc khảo sát cho thấy gần một nửa số công ty Mỹ đã chọn sử dụng ChatGPT và 93% trong số các công ty này đang tìm cách ứng dụng rộng rãi hơn nữa công cụ này vào hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Để tìm hiểu chính xác ChatGPT đang được sử dụng ra sao tại nơi làm việc, phóng viên của Tech.co đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau nhằm thu thập thông tin về trải nghiệm ChatGPT cũng như những mối lo ngại về sự trỗi dậy của nó, qua đó cung cấp bức tranh rõ ràng hơn về cách ChatGPT có thể định hình tương lai của công việc.

Từ phân tích dữ liệu đến thực hiện các nhiệm vụ như một trợ lý ảo cá nhân, ChatGPT đang được ứng dụng một cách đa dạng trong hoạt động của doanh nghiệp. Dưới đây là 10 cách mà các công ty hiện đang sử dụng công cụ chatbot đột phá của OpenAI.

1. Phản hồi các truy vấn của khách hàng

Trong nhiều thập kỷ qua, các công cụ chatbot đã hỗ trợ các bộ phận dịch vụ khách hàng (customer service) tự động hóa hoạt động của họ. Tuy nhiên, giờ đây việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã được dân chủ hóa hơn nữa (tiếp cận công bằng với mọi đối tượng) với sự hỗ trợ của ChatGPT. Công cụ này đang giúp các doanh nghiệp thực hiện các chức năng dịch vụ khách hàng thậm chí còn cao cấp hơn rất nhiều.

ChatGPT đang được sử dụng thế nào trong các doanh nghiệp? ảnh 1

(Ảnh: Reuters)

Cụ thể, ông Parker Heyn, Giám đốc điều hành (CEO) của công ty tiếp thị kỹ thuật số Parker Marker, sử dụng ChatGPT để quản lý đồng thời các truy vấn dịch vụ khách hàng và theo dõi dữ liệu khách hàng. Bằng cách hỗ trợ xử lý dữ liệu người tiêu dùng nhanh hơn và chính xác hơn so các phương pháp thủ công, ChatGPT giúp Parker Marker “tiết kiệm thời gian và tối đa hóa hiệu quả”, từ đó thay đổi mô hình kinh doanh của công ty.

Farhan Advani từ Ncctting Tools cũng sử dụng các chatbot cho mục đích tương tự. Ông cho biết, ChatGPT giúp doanh nghiệp của ông định vị chính xác thông tin, giảm thời gian cần để trả lời các truy vấn của khách hàng.

2. Cải thiện chất lượng truyền thông đối ngoại

ChatGPT cũng có thể là một công cụ hữu ích để nâng cao chất lượng các hoạt động truyền thông. Alice Wi, cộng tác viên quan hệ công chúng (PR) của công ty Mind Meld PR sử dụng ChatGPT để thay đổi nội dung cho nhiều phương tiện truyền thông khác nhau bao gồm các bài đăng trên mạng xã hội, bài đăng trên blog và thư điện tử (email). Cụ thể, Alice Wi sử dụng ứng dụng này để tạo ra một phần nội dung rõ ràng và độc đáo, trước khi thêm thắt chút “hương vị, chi tiết bổ sung và điểm nhấn cá nhân” của riêng mình.

“Tôi muốn đề cử công cụ này cho bất kỳ doanh nghiệp nhỏ nào đang có nhu cầu tạo thêm nội dung cho các website, trang mạng xã hội hoặc hoạt động tiếp thị của họ. Đó chắc chắn là một sự thay đổi nhanh chóng đối với tài liệu tiếp thị của chúng ta” - Wi nói.

Mặc dù khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ sử dụng ChatGPT, song Wi cũng đưa ra một số lời khuyên. Theo đó, cộng tác viên của Mind Meld PR lưu ý phải “luôn kiểm tra lại thông tin mà chatbot này đưa ra để bảo đảm độ chính xác và tin cậy”. “Điều này sẽ giúp bạn tránh được việc vô tình đăng những thông tin gây tranh cãi hoặc đưa ra những lời hứa mà bạn không thể thực hiện được”.

3. Như một công cụ lập trình

ChatGPT đang tạo ra những làn sóng lớn trong ngành công nghiệp phần mềm. Chia sẻ với Tech.co, một kỹ sư dữ liệu từ Detroit cho biết anh dùng đến công cụ này khi cảm thấy bế tắc trong một dự án. “Nếu bạn biết cách đưa ra những lời nhắc (prompt) chính xác, nó có thể giúp bạn cải thiện tư duy logic trong lập trình, khắc phục các lỗi cú pháp và thậm chí thay đổi code từ ngôn ngữ lập trình này sang ngôn ngữ lập trình khác” - người này cho hay.

Một kỹ sư phần mềm khác tiết lộ, ChatGPT còn giúp tạo ra các đoạn mã Liquid phức tạp hơn, và các khách hàng có thể sử dụng chúng trên các trang web để lọc sản phẩm, tạo các chương trình thành viên, và theo dõi tương tác của người tiêu dùng.

4. Như một trợ lý ảo cá nhân

Ngoài việc cải thiện chất lượng các quy trình chính, ứng dụng ChatGPT đang được các công ty sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ quản trị như nhập dữ liệu và quản lý email.

“Tôi cảm thấy rất tích cực về sự bùng nổ gần đây của ChatGPT ở nơi làm việc. Đó là một sự tiến triển thú vị với tiềm năng cách mạng hóa mô hình làm việc tại các công ty” - Abdullah Prem, nhà sáng lập và CEO của Bloggersneed chia sẻ.

Ông Prem cho rằng, những công cụ dạng ChatGPT giúp tối đa hóa hiệu suất làm việc và tiết kiệm thời gian, đồng thời dự báo ChatGPT sẽ thay đổi các quy trình cốt lõi tại Bloggersneed và tạo đột phá trong cách mọi người làm việc ở tất cả các lĩnh vực trong những năm tới.

5. Viết email

ChatGPT cũng đã và đang giúp các nhân viên thực hiện một trong những nhiệm vụ “bị ghét nhất” trên thế giới, đó là viết email.

Luke Lovelady, một lập trình viên quảng cáo tại BlueOptima, Arizona sử dụng công cụ AI để gửi các email lạnh (cold email) được cá nhân hóa. Tùy thuộc vào đối tượng nhận email, Lovelady sẽ cung cấp cho ChatGPT một lời nhắc chứa thông tin về khách hàng tiềm năng, yêu cầu nó viết một email được cá nhân hóa theo khung AIDA kèm theo một câu CTA (Call To Action - kêu gọi hành động) ở cuối thư.

ChatGPT đang được sử dụng thế nào trong các doanh nghiệp? ảnh 4

(Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, Lovelady cũng sử dụng công cụ này để tạo các tập lệnh gọi lạnh ban đầu bằng cách cung cấp cho ChatGPT các mệnh đề giá trị đơn giản, các hook (điểm níu chân khách hàng) hấp dẫn, và các vấn đề mà khách hàng tiềm năng có thể gặp phải.

Ngoài việc giải quyết những công việc tẻ nhạt, ứng dụng này còn chứng tỏ là một công cụ giúp tiết kiệm thời gian. Lovelady ước tính ChatGPT giúp bản thân anh tiết kiệm từ 1-2 giờ mỗi ngày bằng cách cắt giảm thời gian thường dành cho việc suy nghĩ, sắp xếp và viết các tài liệu tiếp cận khách hàng.

6. Viết tài liệu marketing

ChatGPT cũng đang được các công ty sử dụng để viết các tài liệu quảng cáo. Lauren Van Woerden, một chuyên gia sáng tạo nội dung của hãng marketing Ollo Metrics sử dụng ChatGPT bất cứ khi nào thực hiện các nhiệm vụ viết bài quảng cáo SEO.

Lý giải điều này, Woerden cho biết bằng cách sử dụng những lời nhắc cụ thể, rõ ràng, cô có thể tạo ra những tài liệu có chất lượng tốt nhất. Cùng với đó, việc áp dụng thành công những công cụ AI như ChatGPT còn giúp Woerden cắt giảm 30-40% thời gian viết quảng cáo so với trước đây.

“Tôi coi công cụ này là nền tảng phục vụ công việc chứ không phải là rào cản đối với người viết quảng cáo. Sau khi có được tài liệu với sự hỗ trợ của ChatGPT, tôi có thể thêm thắt giọng điệu và cá tính mà tôi muốn vào những tài liệu đó” - chuyên gia của Ollo Metrics cho hay.

Toni, một người viết quảng cáo tự do, sử dụng ứng dụng này để tạo các tài liệu và nhận thấy nó đặc biệt hữu ích trong công đoạn viết phần mở và phần kết. ChatGPT cũng tác động rõ rệt đến tốc độ làm việc của cô khi giúp giảm số ngày cô dành để viết blog từ 7 ngày xuống còn 2 ngày.

Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề sử dụng công cụ này một cách minh bạch, Toni chia sẻ: “Thú thực, tôi thấy không cần thiết phải nói với cấp trên của tôi về việc mình sử dụng ChatGPT. Đó không phải là một vấn đề lớn. Thứ mà ông ấy quan tâm là nội dung tài liệu, không quan trọng tôi lấy nó từ đâu”.

7. Quản lý thời gian

Luke Lovelady sử dụng ChatGPT để lên lịch trình những việc cần làm mỗi ngày. Cụ thể, nhân viên của BlueOptima cung cấp cho ChatGPT một lời nhắc về tình hình hằng ngày của mình và yêu cầu ứng dụng này tư vấn cách sử dụng thời gian trong ngày một cách hiệu quả nhất. Dựa trên thông tin đầu vào, ChatGPT đã tạo một lịch trình hằng ngày giúp Lovelady sắp xếp khối lượng công việc dựa trên các ưu tiên hàng đầu của anh ấy.

ChatGPT đang được sử dụng thế nào trong các doanh nghiệp? ảnh 6

(Ảnh: Reuters)

“Sẽ thật ngu ngốc nếu ông chủ và nhân viên không sử dụng công nghệ này ở một mức độ nào đó để loại bỏ các công việc thủ công và tốn thời gian cũng như tăng năng suất lao động” - Lovelady nói.

Chia sẻ với Tech.co về tiềm năng của ChatGPT, Lovelady cho rằng sự bùng nổ của công cụ này đã “tạo ra một mô hình công việc mới có thể đem lại lợi ích rất lớn nếu được sử dụng đúng cách”.

8. Soạn bài thuyết trình

Harman Signh, Giám đốc công ty dịch vụ an ninh mạng Cyphere sử dụng ChatGPT để soạn các bản báo cáo và bài thuyết trình. Theo đó, ChatGPT cho phép Signh tạo các bài thuyết trình chất lượng cao một cách dễ dàng và nhanh chóng, điều này tác động đáng kể đến hiệu quả công việc của ông tại công ty.

Ngoài ra, Signh cũng sử dụng ChatGPT để tạo các báo cáo, phản hồi truy vấn của khách hàng cũng như các tài liệu tiếp thị. Đây là minh chứng thực sự cho tính linh hoạt của công cụ này.

9. Nghiên cứu từ khóa

ChatGPT cũng đang được sử dụng để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm đa hướng cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Chia sẻ với Tech.co, một nhân viên cho biết bản thân sử dụng ChatGPT cho mục đích nghiên cứu từ khóa, xây dựng liên kết, và thậm chí là lên lịch nội dung hằng tháng.

Radhika Gupta, người sáng lập công ty kỹ thuật số One Digital Land cũng sử dụng ChatGPT để hỗ trợ các hoạt động SEO khác nhau bao gồm nghiên cứu từ khóa, phân tích SEO và tối ưu hóa nội dung cho tìm kiếm không phải trả tiền, quảng cáo PPC và email.

Bà Gupta cho biết, kể từ khi sử dụng công cụ này, việc nuôi dưỡng và chuyển đổi khách hàng tiềm năng trở nên dễ dàng hơn bằng cách tối đa hóa hiệu quả của công ty - một chiến thắng lớn cho bất kỳ hoạt động kinh doanh bán hàng nào.

Tuy nhiên, bà cho rằng lạc quan nhưng cũng cần có sự thận trọng nhất định, bởi đây là một công nghệ tương đối mới nên tác động tổng thể của nó đối với tiếp thị kỹ thuật số vẫn còn phải xem xét.

10. Quản lý các cuộc họp

ChatGPT cũng có thể giúp cải thiện chất lượng quản lý các cuộc họp. Một số doanh nghiệp như Moo Soft sử dụng ChatGPT để tóm tắt bản ghi cuộc họp nhằm giúp những người làm việc từ xa không thể tham dự cuộc gọi dễ tiếp cận thông tin hơn.

Người đứng đầu Moo Soft, Calvin Wallis cho biết, với khả năng tổng hợp chính xác các cuộc thảo luận trực tuyến, ChatGPT giúp ông có thể tập trung hoàn toàn vào những người dự họp để bảo đảm những người còn lại trong nhóm sẽ bắt kịp tốc độ.

Microsoft Teams, nền tảng tổ chức các cuộc họp trực tuyến do Microsoft phát triển, mới đây đã ra mắt bản Premium, tích hợp nhiều tính năng dựa trên sức mạnh của mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 của OpenAI. Teams Premium cung cấp công cụ Intelligent Recap, giúp tự động ghi lại những câu nói trong các cuộc họp trực tuyến qua Teams, rồi nhặt ra những ý chính, nhiệm vụ công việc và tổng hợp tóm tắt cuộc họp bằng chữ. Một tính năng khác của Teams Premium là đặt watermark và dán nhãn thông tin nhạy cảm trong những cuộc họp, hoặc chặn việc người tham gia cuộc họp ghi hình thu âm, và copy dữ liệu văn bản được chia sẻ trong cuộc họp.

Kể từ sau màn ra mắt bùng nổ của ChatGPT, một số “ông lớn” công nghệ trên thế giới như Google và Meta cũng đã bước vào cuộc đua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các chatbot AI để theo kịp xu hướng hiện nay. Mặc dù những nỗ lực này không phải lúc nào cũng đạt được thành công như mong muốn, nhưng không thể phủ nhận rằng, ChatGPT và các công cụ tương tự sẽ ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta sống và làm việc trong tương lai.

back to top