Chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường ở Thái Nguyên

NDO -

Tỉnh Thái Nguyên có khoảng 600 nghìn con lợn, trong đó chăn nuôi quy mô trang trại từ một nghìn đến mười nghìn con chiếm khoảng 30% tổng đàn, nhưng số trang trại đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ không nhiều, chủ yếu mang tính đối phó và việc xử lý vi phạm thiếu kiên quyết dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Trang trại của ông Thân Văn Hùng ở xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ xả thải ra suối làm cá chết hàng loạt.
Trang trại của ông Thân Văn Hùng ở xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ xả thải ra suối làm cá chết hàng loạt.

Ông Thân Văn Hùng ở xóm Đồng Phú, xã Cát Nê, huyện Đại Từ có trang trại chăn nuôi lợn với quy mô 3 nghìn con, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương trong thời gian dài.

Trước đây, nước ở suối Hàm Long trong sạch, nhiều tôm cá, người dân thường tắm giặt, từ khi trang trại lợn của Nguyễn Văn Khoái đi vào hoạt động (sau đó ông Khoái chuyển nhượng toàn bộ trang trại cho ông Hùng), xả chất thải ra môi trường thì nước suối chuyển màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Ông Nguyễn Văn Khôi ở xóm Đồng Phú tháo nước suối Hàm Long vào ao dẫn đến hơn một tạ cá chết, nhiều giếng nước sinh hoạt của người dân gần khu vực trang trại lợn của ông Hùng vẩn đục, có mùi hôi, không sử dụng được.

Bất bình với trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm, người dân địa phương dựng lều, lán ngăn cản ông Hùng vận chuyển thức ăn chăn nuôi ba ngày liên tục. Gần đây UBND tỉnh yêu cầu ông Hùng không tái đàn cho đến khi đầu tư hoàn chỉnh công trình bảo vệ môi trường được cơ quan chức năng xác nhận. Trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm như của ông Hùng, trên địa bàn tỉnh không phải là cá biệt.

Chăn nuôi lợn quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, nhưng hầu hết các trang trại chưa quan tâm đầu tư công trình bảo vệ môi trường, hoặc đầu tư chỉ cho có, mang tính đối phó, phổ biến là áp dụng công nghệ biogas.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên Nguyễn Thế Giang cho biết: “Công nghệ biogas không đảm bảo hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn môi trường, chỉ xử lý được khoảng 30 đến 40% lượng chất hữu cơ trong nước thải, phần chất ô nhiễm chưa xử lý xả ra môi trường thường vượt tiêu chuẩn cho phép”.

Trước tình trạng chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, thời gian vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên lựa chọn, giới thiệu một số mô hình, công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi, mời nhiều chủ trang trại đi tham quan mô hình. UBND tỉnh Thái Nguyên đầu tư 3 tỷ đồng thí điểm mô hình xử lý nước thải sau xử lý bằng biogas theo công nghệ Saibon Nhật Bản cho trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyên Ngọc Lân, xóm Phúc Thịnh, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ để từ đó nhân ra diện rộng. Nhưng sau đó ông Lân không duy trì công trình.

Từng bước khắc phục vấn đề này, cuối năm 2020 tỉnh Thái Nguyên ban hành chính sách hỗ trợ một lần 70% đệm lót sinh học cho chăn nuôi lợn quy mô nông hộ và trang trại quy mô nhỏ. Từ năm 2021, các địa phương chỉ cấp phép hoạt động đối với trang trại chăn nuôi mới khi có công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu; không chăn nuôi lợn tại khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn.