Hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng trong nước biết và sử dụng thực phẩm chức năng lên đến hơn 60% và dễ dàng mua các sản phẩm thực phẩm chức năng từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc, các shop online, các website hoặc mạng xã hội… Tuy nhiên, quá trình triển khai đã có hiện tượng sản xuất thực phẩm chức năng không đúng như bản đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận mà cho thêm chất cấm, chất độc hại vào trong sản phẩm.
Đáng lo ngại, thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lợi dụng hình ảnh các y, bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên; sử dụng các danh hiệu như: “Nhà thuốc gia truyền”, “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc điều trị các bệnh mạn tính như xương khớp, huyết áp, tiểu đường, bệnh về mắt… dù chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam.
Do vậy, việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm trái phép này không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, mà còn gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định về Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm...
Việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán các loại sản phẩm trái phép này không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, mà còn gây bất an cho xã hội và vi phạm các quy định về Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm...
Nhằm ngăn chặn và phòng ngừa quảng cáo, sản xuất, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, cơ quan liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng để chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; trong đó, cần khẩn trương rà soát, quy định rõ, cụ thể, chặt chẽ việc xác nhận nội dung quảng cáo, bảo đảm đúng luật, đúng nội dung chuyên môn.
Các cơ quan y tế rà soát, chịu trách nhiệm xác nhận nội dung chuyên môn liên quan các loại thuốc, thực phẩm chức năng trước khi phát hành, công khai nội dung xác nhận để các cơ quan kiểm tra, thanh tra, tổ chức phát hành quảng cáo, doanh nghiệp liên quan, có căn cứ thực hiện...
Các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc; quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung; có biện pháp xử lý quyết liệt theo quy định của pháp luật về quảng cáo với các trang mạng xã hội, các nền tảng quảng cáo trên mạng nếu có sai phạm; quản lý chặt điều kiện cấp phép mở các trang website, tên miền hoạt động để bảo đảm khi phát hiện sai phạm về quảng cáo sẽ kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn; tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, nhất là các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai phạm.
Chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc; đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, trong đó chú trọng công tác điều tra, phát hiện, xử lý các đường dây, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc trái phép và không bảo đảm chất lượng theo quy định; có giải pháp khuyến cáo người dân chỉ mua thuốc, các sản phẩm thực phẩm chức năng tại các cơ sở kinh doanh được cấp phép hoạt động theo quy định; người dân khi sử dụng thuốc, các sản phẩm chức năng phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng giúp các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu…