Cần quản lý chặt sản phẩm thuốc lá mới

Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì-gà, thuốc lá sợi (thuốc lào), trên thị trường đã, đang xuất hiện và có sự gia tăng rất nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới (phổ biến nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng). Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định điều chỉnh đối với loại thuốc lá này.
0:00 / 0:00
0:00
Một số loại thuốc lá điện tử. Nguồn: Vietnam+
Một số loại thuốc lá điện tử. Nguồn: Vietnam+

Tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam được tổ chức mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết: Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo kết quả điều tra, tỷ lệ hút thuốc lá chung năm 2020 chỉ giảm 0,8% so với năm 2015 (21,7% so với 22,5%). Tuy nhiên, nếu như năm 2015 chỉ có 0,2% người trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử, thì đến năm 2020, tỷ lệ này ở nam giới là 5,6% và nữ giới là 1%. Nếu so sánh thô thì chỉ sau 5 năm, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả hai giới, trong đó: tăng lần lượt trong hai nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 và 46 lần; tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng cao, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ.

Theo nghiên cứu của Hội Y tế công cộng Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ thanh, thiếu niên 15 đến 24 tuổi ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang sử dụng thuốc lá điện tử là khá cao, khoảng 7,3%, trong đó ở nam giới là 9,1% và nữ giới là 4,6%; phần lớn người sử dụng thuốc lá điện tử trong độ tuổi 18 đến 24. Một nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hà Nội do Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) tiến hành năm 2020 cũng cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 đến lớp 12 là 8,35%, riêng học sinh lớp 10 đến lớp 12 là 12,6%...

Hiện, đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm nhưng chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với sản phẩm thuốc lá mới. Việt Nam mới chỉ có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành... Đáng chú ý, hiện nay, sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay... và đang được quảng cáo khá phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, tại nước ta hiện chưa có thông tin về thành phần, các chất có trong sản phẩm thuốc lá mới, chưa đủ thông tin để xác định thành phần các chất cần kiểm soát trong quy chuẩn kỹ thuật. Việt Nam cũng chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử.

Với quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân quan trọng hơn các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn, Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, vì đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Loại thuốc lá này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh, thiếu niên, có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội. Thêm vào đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.

Theo TS Angela Pratt, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá mới không an toàn, không có lợi cho sức khỏe, rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh, thiếu niên. Các bằng chứng hiện có đều chỉ ra rằng những sản phẩm này chứa hàm lượng lớn nicotine, một chất gây nghiện mạnh. Tổ chức Y tế thế giới có các bằng chứng cho thấy tác hại đáng kể mà nicotine có thể gây ra đối với bộ não đang phát triển của trẻ em và thanh, thiếu niên, cụ thể là chúng ảnh hưởng đến trí nhớ, mức độ chú ý, khả năng tập trung và học tập của các bạn trẻ. Đồng thời, nó cũng sẽ tác động rất tiêu cực đến tâm trạng của các em. Hơn thế nữa, những sản phẩm này có chứa các chất độc hại tương tự như những chất độc có trong thuốc lá thông thường. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015.

TS Angela Pratt cho rằng, giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Chúng ta cần thay đổi điều này và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh, thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới. Có nghĩa, để bảo vệ sức khỏe của giới trẻ thì không nên thí điểm hoặc hợp pháp hóa các sản phẩm này, để chúng ta có thể tránh việc tạo ra một thế hệ tương lai nghiện các sản phẩm thuốc lá rất có hại. Một khi thuốc lá điện tử được bán tràn lan thì sẽ khó có giải pháp phòng, chống trẻ em sử dụng.

Các chuyên gia về phòng, chống tác hại thuốc lá khẳng định, cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không ảnh hưởng đến quyền của người tiêu dùng, mà để bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng không nên cho phép nhập khẩu, mua bán cũng như không cho phép thí điểm nhập khẩu, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh (ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản). Mỗi năm Việt Nam có hơn 40 nghìn ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70 nghìn trường hợp vào năm 2030 nếu Việt Nam không phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả. Gánh nặng kinh tế do sử dụng thuốc lá gây ra ở Việt Nam, cụ thể là chi phí cho điều trị bệnh, tổn thất bởi mất sức lao động do bệnh tật và tử vong sớm do năm trong 25 nhóm bệnh là 25 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra cũng phải kể đến 31 nghìn tỷ đồng người dân bỏ ra để mua thuốc lá hút hằng năm...