Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1948, ở thôn Đại Bái, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) đã nhờ người nhà đưa tới Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao huyện để khám sức khỏe.
Người dân được khám bệnh miễn phí
Sau khi khai thông tin, bà Tâm được các y, bác sĩ đo huyết áp, thị lực, khám tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh, da liễu, vận động… Tiếp đó, bà còn được kiểm tra đường huyết, siêu âm ổ bụng.
Bà Tâm phấn khởi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được khám sức khỏe tổng quát. Các bác sĩ rất tận tình, khám và tư vấn cẩn thận. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị cao huyết áp, đường huyết cũng khá cao và hướng dẫn tôi điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như tới bệnh viện để được khám chuyên sâu hơn”.
Từ ngày 24/4/2023 đến nay, gần 42 nghìn người dân tại các xã, thị trấn của huyện Mê Linh đã được thăm khám và tư vấn sức khỏe tổng quát. Điều đặc biệt là hoạt động thăm khám hoàn toàn miễn phí và được triển khai ngay trên địa bàn từng xã.
Hơn 400 cán bộ y tế của huyện và các y, bác sĩ từ 15 bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn… đã tham gia chương trình. Theo kế hoạch, trong đợt khám này, huyện Mê Linh sẽ tập trung khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 180 nghìn người ( khoảng 75% dân số của huyện).
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho biết, chương trình khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện nhằm cụ thể hóa chủ trương Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội khóa 17 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Các nhóm đối tượng được khám và tư vấn, quản lý sức khỏe miễn phí đợt này gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; người cao tuổi, cán bộ hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân lao động tự do.
Lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết, từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nan y, huyện sẽ chỉ đạo cơ sở y tế quan tâm kiểm tra, tư vấn cho người bệnh, trường hợp cần chuyển tuyến thì giúp đỡ bệnh nhân liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáng, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, phần lớn các bác cao tuổi qua thăm khám đã phát hiện ra các bệnh như huyết áp, tiểu đường, mắt… Nhiều người không được đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, qua đây mới phát hiện và được hướng dẫn tới điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa.
Nhân rộng chương trình tới toàn dân
Bên cạnh việc khám sức khỏe thì một nhiệm vụ quan trọng của chương trình này chính là thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Ngay sau khi khám xong, người dân được hướng dẫn cài ứng dụng trên điện thoại thông minh để có thể tra cứu ngay kết quả và theo dõi thông tin sức khỏe của bản thân trọn đời.
Hồ sơ sức khỏe này sẽ được đồng bộ hóa vào hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, sử dụng cho những lần khám bệnh sau. Hệ thống này cũng là cơ sở để kiểm soát, sàng lọc, tư vấn, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn được tốt hơn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, huyện Mê Linh là một trong ba địa phương đang phối hợp Sở Y tế triển khai chương trình khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân. Chương trình số 08 của Thành ủy đặt mục tiêu, tới năm 2025, thành phố có 15 bác sĩ/vạn dân; từ 30 đến 35 giường bệnh/vạn dân; 100% người dân được quản lý sức khỏe. Nhưng hiện nay, thành phố mới chỉ đạt 13,7 bác sĩ/vạn dân; 28,5 giường bệnh/vạn dân.
Chất lượng công tác y tế chủ yếu tập trung ở các quận nội thành. Đối với các huyện ngoại thành, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn những hạn chế, bất cập.
Vì vậy, rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt và các cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai, thực hiện như chương trình khám, quản lý sức khỏe cho nhân dân tại huyện Mê Linh. Từ đây, các đơn vị sẽ rút kinh nghiệm, hoàn thiện chương trình và nhân rộng, triển khai ra các quận, huyện, thị xã khác một cách bài bản, có lộ trình, kế hoạch rõ ràng.
Để chương trình khám, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đạt được hiệu quả thiết thực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08 của Thành ủy đề nghị, bên cạnh việc tích cực triển khai của các địa phương, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện của Hà Nội cần phát huy tinh thần y đức người thầy thuốc, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tốt công tác khám sức khỏe cho nhân dân, tư vấn điều trị kịp thời các trường hợp phát hiện bệnh.
Các đơn vị cũng cần tích cực thông tin, tuyên truyền để nhân dân biết và tích cực tham gia thụ hưởng các chính sách của Nhà nước về y tế, bảo vệ sức khỏe bản thân và những người chung quanh.