Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố

Tổng số lượt khám bệnh năm 2022 của Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 234 nghìn lượt cho thấy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân thành phố ngày càng tăng, nhất là sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất, nhân lực ngành tâm thần chưa đủ đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
0:00 / 0:00
0:00

Ngành y tế thành phố đã hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã, do Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách. Tại cộng đồng, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần được quan tâm từ năm 1977, thành phố đã triển khai phòng khám tâm thần ngoại trú tại 24 quận, huyện. Cơ sở y tế chuyên tiếp nhận và điều trị gồm: Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, bốn bệnh viện đa khoa, ba bệnh viện chuyên khoa nhi với khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần.

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Nhân lực ngành tâm thần chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế, đội ngũ bác sĩ tâm thần, chuyên viên trị liệu tâm lý (học đường, lâm sàng, nghề nghiệp) còn ở mức thấp cả về số lượng và chất lượng. Số bác sĩ tâm thần, giường bệnh tâm thần của Thành phố Hồ Chí Minh cũng thấp so với cả nước, chỉ đạt 0,07/1.000 dân.

Nhiều năm qua, các cơ sở y tế có khám, chữa bệnh tâm thần xuống cấp, không thể đáp ứng được số lượng bệnh nhân ngày càng cao. Các bệnh viện đa khoa và trường học chưa có phòng khám tâm thần, tham vấn tâm lý để sàng lọc sớm, điều trị kịp thời các vấn đề tâm thần. Bên cạnh đó, do số lượng người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày một tăng khiến các cơ sở ngày càng quá tải.

Ðặc biệt, đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hàng triệu người. Nhiều người bị rối loạn tâm thần chưa tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống trị liệu. Vẫn còn sự kỳ thị lớn đối với các rối loạn tâm thần, dẫn đến tâm lý e ngại để đi khám và điều trị kịp thời.

Trên thế giới cứ tám người sẽ có một người mắc chứng tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng tương đương mặt bằng chung trên thế giới. Theo ông Trường, nước ta có khoảng 14 triệu người mắc chứng rối loạn tâm thần, chiếm khoảng 14,1% dân số. Trong khi đó, theo thống kê năm 2020, có khoảng 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chủ yếu tập trung ở Trung ương và các thành phố lớn, không tập trung ở các tuyến y tế cơ sở.

Tiến sĩ Lại Ðức Trường, đại diện WHO tại Việt Nam

Tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung, hiện nay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được lồng ghép vào hệ thống chung. Y tế tuyến huyện hầu như chưa có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc điều trị bằng thuốc hay tâm lý trị liệu vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, nước ta còn thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho các đối tượng đặc biệt sau thảm họa, thiên tai như dịch Covid-19 vừa qua.

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện bệnh viện có 64 bác sĩ tâm thần, 150 điều dưỡng, 15 chuyên viên tâm lý. Mỗi phòng khám tâm thần quận, huyện có một bác sĩ tâm thần và các điều dưỡng, mỗi trạm y tế có một bác sĩ hoặc y sĩ và điều dưỡng được huấn luyện về tâm thần. Rõ ràng, so với chuẩn quốc tế thì chưa đạt được. Trong khi tổng số lượt khám bệnh năm 2022 là 234.060 lượt khám.

Hiện bệnh viện đang quản lý tổng số bệnh nhân: Bệnh lý tâm thần phân liệt khoảng 10.000 bệnh nhân, bệnh lý động kinh khoảng 7.000 bệnh nhân, hơn 3.000 bệnh nhân tâm thần cơ nhỡ, lang thang không nhân thân, không giấy tờ đang điều trị nội trú dài hạn tại ba trại điều dưỡng thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

Vừa qua, Sở Y tế thành phố đã có văn bản đề nghị UBND thành phố phê duyệt “Chiến lược y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Trong đó, có chiến lược dự phòng, tầm soát phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng cho các đối tượng học sinh, bà mẹ giai đoạn mang thai và hậu sản, nhân viên y tế, người lao động, những người yếu thế (trẻ em mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ, người cao tuổi…).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện sức khỏe tâm thần là một trong những vấn đề chưa được quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ đúng mức so với vấn đề về bệnh tật, thể chất. Do đó, việc đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân là một trong những vấn đề trọng tâm mà ngành y tế thành phố sẽ cố gắng tiếp tục quan tâm trong thời gian tới.

Tiến sĩ Lại Ðức Trường, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: Ðể thực hiện chiến lược y tế về chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng hiện nay cần nhiều yếu tố. Trước hết hiện nay, người dân dễ nhầm tưởng tâm thần là chứng rối loạn tâm thần nặng (điên loạn). Tuy nhiên, những biểu hiện như lo âu, trầm cảm, loạn thần do rượu cũng được coi là rối loạn tâm thần. Năm 2020, do dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn thế giới tăng lần lượt 26% và 28%.

Vậy nên, cần nâng cao nhận thức người dân; đồng thời, xóa bỏ miệt thị, cần bảo đảm cung cấp dịch vụ toàn diện, đa dạng các loại dịch vụ: thuốc, tư vấn, phục hồi chức năng…; có dịch vụ cho tất cả các rối loạn tâm thần thường gặp, không chỉ cho tâm thần phân liệt; có dịch vụ sức khỏe tâm thần cho tất cả các đối tượng phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, rối loạn tâm thần do thảm họa, thiên tai…

Cần có sự hỗ trợ xã hội cho người rối loạn tâm thần, tránh bị miệt thị; đồng thời, hỗ trợ cho người bệnh tâm thần như: Nhà cửa, công ăn, việc làm, học tập. Cùng với đó, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tâm thần tại các cơ sở y tế bằng cách cải tạo, xây dựng mới cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, bổ sung, tập huấn nhân sự; thành lập các đơn vị phục hồi chức năng tâm thần tại các trung tâm y tế quận, huyện.