Cầu nối đưa pháp luật đến với phụ nữ người Mông ở Phá Lõm

NDO - Thời gian qua, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện 30a Tương Dương (Nghệ An) đã trở thành một điểm sáng, "cánh tay nối dài" trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giải hòa, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong nhân dân trên địa bàn vùng cao biên giới bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Chị em phụ nữ bản Phá Lõm biểu diễn văn nghệ ra mắt câu lạc bộ.
Chị em phụ nữ bản Phá Lõm biểu diễn văn nghệ ra mắt câu lạc bộ.

Theo chân cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Hợp (Bộ đội Biên phòng Nghệ An), chúng tôi tham dự buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tại bản Phá Lõm.

Chủ đề của buổi sinh hoạt “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; gồm các tiêu chí: không nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng và sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp.

Cầu nối đưa pháp luật đến với phụ nữ người Mông ở Phá Lõm ảnh 1

In tờ rơi bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông để tuyên truyền cho người dân bản Phà Lõm.

Cầu nối đưa pháp luật đến với phụ nữ người Mông ở Phá Lõm ảnh 2
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Hợp in tờ rơi bằng tiếng Mông tuyên truyền đến chị em.

Để phù hợp với phong tục và tập quán của đồng bào người Mông, đơn vị đã tổ chức sinh hoạt vào buổi tối; đồng thời, phối hợp với chính quyền xã Tam Hợp có nhiều cách làm sáng tạo để thu hút được nhiều phụ nữ người Mông tham gia.

Vừa dẫn chúng tôi xuống bản, Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Trần Thanh, ở Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Tam Hợp) vừa cho biết: Đối với chị em phụ nữ người Mông, mình không thể triển khai bằng văn bản, mà phải kết hợp “cầm tay chỉ việc”; một nội dung triển khai đến chị em phải thực hiện nhiều lần, như kiểu “mưa dầm thấm lâu” để họ hiểu và thực hiện.

Điển hình như gia đình chị Vừ Y Lầu, được đơn vị hỗ trợ 3 con dê giống để phát triển kinh tế. Theo phong tục chăn nuôi của đồng bào người Mông thường để ở nương rẫy, cách xa gia đình, việc theo dõi, chăm sóc phó mặc cho tự nhiên nên con giống khó phát triển, không mang lại hiệu quả cao.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã trực tiếp đến gia đình, vận động làm chuồng nuôi nhốt trong vườn nhà để tiện cho việc chăm sóc, phát hiện và phòng trừ bệnh tật; hằng ngày theo dõi sự phát triển của con giống để kịp thời có phương pháp ứng phó, nhằm bảo đảm con giống phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cầu nối đưa pháp luật đến với phụ nữ người Mông ở Phá Lõm ảnh 3

Chị Vừ Y Lầu ký nhận 3 con dê giống.

Những năm qua, đồn Biên phòng Tam Hợp đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm phổ cập, tư vấn pháp luật đến từng người dân trên địa bàn, nhất là các hội viên, phụ nữ người Mông. Thông qua đó, tạo diễn đàn cho hội viên, phụ nữ trao đổi kiến thức về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; Đồng thời, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho các hội viên. Qua đó, giúp chị em biết và sử dụng pháp luật để có thể tự bảo vệ mình và cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Tam Hợp đã phối hợp xã Tam Hợp thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”. Số hội viên tham gia ngày một đông. Hằng tháng, cán bộ Đồn Biên phòng và Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ thống nhất nội dung, chủ đề sinh hoạt, nhất là lựa chọn các vấn đề có tính thời sự để tuyên truyền đến chị em.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” bản Phá Lõm, chị Và Y Pia cho biết: Đa số chị em có trình độ dân trí thấp, thường xuyên đi làm rẫy về muộn, nên việc duy trì sinh hoạt thường phải linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh của hội viên.

Thường kỳ sinh hoạt chúng tôi đều tổ chức vào buổi tối để tất cả các hội viên có thể tham gia. Các thành viên câu lạc bộ được đồn Biên phòng Tam Hợp thành lập nhóm zalo. Những chị em đi làm ăn xa, hoặc không tham gia sinh hoạt được đều nắm bắt được nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ triển khai qua nhóm zalo này.

Vào dịp ngày lễ hay ngày vui của bản, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền theo mô hình sân khấu hóa hay cử cán bộ đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền miệng, phát tờ rơi liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Phòng, chống ma túy và các vấn đề liên quan pháp luật về biên giới, hiệp định, hiệp nghị giữa hai nước Việt Nam-Lào… Qua đó vừa giúp các hội viên nâng cao ý thức và vừa giúp tuyên truyền đến các thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; các quy chế biên giới, không xâm canh, xâm cư, vượt biên giới trái phép; cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn của các loại đối tượng, tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Đặc biệt, trong bản, các mâu thuẫn trong từng gia đình, giữa các gia đình, dòng họ... đều được đồn biên phòng phối hợp với chính quyền, đoàn thể và câu lạc bộ hóa giải, không để phát sinh điểm nóng...

Thiếu tá Hà Huy Thiên, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: Bản Phá Lõm có 128 hộ, hơn 767 nhân khẩu với 100% là đồng bào người Mông sinh sống. Việc thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” ở bản biên giới như Phá Lõm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với đồng bào.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đơn vị đã lựa chọn các đồng chí có kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán, thành thạo ngôn ngữ của đồng bào Mông để trực tiếp tham gia sinh hoạt và tuyên truyền các nội dung đến câu lạc bộ. Những nội dung trong buổi sinh hoạt đều được chuyển tải bằng ngôn ngữ phổ thông và tiếng của đồng bào người Mông để tất cả các thành viên tham gia sinh hoạt đều có thể nắm và hiểu rõ.

Để thuyết phục đồng bào nghe và tin theo Đảng, Chính phủ, cùng với công tác tuyên truyền pháp luật, đơn vị còn tập trung giúp người dân phát triển kinh tế. Trong đó, tạo điều kiện cho hội viên câu lạc bộ trong phát triển các mô hình kinh tế để sớm thoát nghèo.

Thông qua các khoản đóng góp từ cán bộ, chiến sĩ đơn vị, từ Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương xã Tam Hợp cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đã tạo thành nguồn kinh phí để trao tặng cây, con giống cho các hội viên nghèo của câu lạc bộ.

Mới đây, 6 con dê giống trị giá 15 triệu đồng đã được trao cho 2 hội viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo là Vừ Y Lầu và Hờ Y Gầu. Đơn vị còn cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để đàn dê phát triển tốt.

Đơn vị còn đưa ra nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả nhằm đồng hành cùng nhân dân trong phát triển kinh tế, như mô hình: “Sẻ chia 50/50 giúp dân phát triển kinh tế”, “Đồng hành cùng nông dân vượt khó thoát nghèo”, “Trồng cây dược liệu dưới tán rừng”…

Đánh giá về hiệu quả của Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” bản Phá Lõm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Xồng Bá Nỏ, cho biết: Việc thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” tại bản Phá Lõm đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ đồng bào người Mông tham gia. Câu lạc bộ đã trở thành "cánh tay nối dài" trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với các thành viên trong gia đình và bản làng, giúp đồng bào nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không tiếp tay cho các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn vùng phên dậu của xứ Nghệ.