"Câu chuyện từ trái tim" do Công ty sách Nhã Nam phối hợp Nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2021, là một tập ghi chép giàu tính thời sự nhưng thấu đáo và chân thành, chứa đựng những câu chuyện về bác sĩ cùng những bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và nhiều vấn đề xã hội dưới lăng kính của một bác sĩ tim mạch đầu ngành kiêm đại biểu Quốc hội.
Tuy không phải là cuốn sách mới, nhưng những mẩu chuyện, những trăn trở trong đó vẫn như những lời tâm tình chân thật từ trái tim một người bác sĩ làm rung động vạn trái tim bạn đọc, thật vừa vặn để đọc lại trong những ngày tri ân người thầy thuốc.
Từ chuyện của người bác sĩ...
PGS, TS, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kể lại rằng, năm 1989 cậu học sinh Nguyễn Lân Hiếu thi đỗ vào Đại Học Y Hà Nội và bắt đầu quãng đời sinh viên vừa đói ăn vừa đói ngủ. Học xong đại học, như bao sinh viên khác ông đăng ký thi bác sĩ nội trú và lựa chọn ngành tim mạch bởi tim mạch theo ông đó là một ngành rất logic và lựa chọn tiếp chuyên ngành can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em trong thời gian du học tại Pháp.
Dành cả cuộc đời cho y học, bác sĩ Hiếu nói nhiều về những được mất của chính mình. Có thể nói, hiếm có nghề nghiệp nào áp lực khủng khiếp như nghề y với đồng lương “còm cõi”, những mối quan hệ chồng chéo với đồng nghiệp và bệnh nhân, những bài học không có ở nhà trường “ma cũ bắt nạt ma mới”, “chủ nghĩa kinh nghiệm”… Tất cả luôn là một phần của cuộc sống mà từng khiến ông phải nản lòng và có phần chua xót khi viết: “Tôi không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần 10 năm đèn sách và sợ bố mẹ buồn” – dòng tâm sự được viết đúng vào ngày 27/2/2019 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam.
"Nhưng nếu vượt qua những khủng hoảng của buổi ban đầu, bạn sẽ chính thức trở thành một bác sĩ chuyên nghiệp. Bạn sẽ không còn quan tâm đến được hay mất khi làm bác sĩ nữa.", ông tâm sự.
“Những niềm vui nho nhỏ sau một ca mổ khó thành công, hay chẩn đoán được một bệnh hiếm gặp cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề”. Có lẽ vì luôn đối mặt với cái đau đớn của thể xác và sự mất mát tột cùng có thể đến bất cứ lúc nào nên sự bình lặng của ông vẫn không giấu được nỗi buồn đang hiện hữu.
Tác giả tâm sự: Nghề y lúc này sẽ trở thành máu thịt của bạn như cơm ăn nước uống hằng ngày. Không phút nào, dù trong câu chuyện, trên bàn nhậu, hay trong rạp chiếu phim, những lời nói suy nghĩ của bạn đều liên quan đến y học. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong nhiều gia đình, tất cả các thành viên đều làm trong ngành y kể cả dâu lẫn rể vì nếu không cùng ngành ta khó mà nuốt nổi những “máu me” của câu chuyện trong mỗi bữa ăn chiều.
_____________________________
Nghề y lúc này sẽ trở thành MÁU THỊT của bạn như cơm ăn nước uống hằng ngày.
- PGS, TS, BS Nguyễn Lân Hiếu -
_____________________________
Đắm chìm trong công việc, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu có rất nhiều quan điểm sống khác với cách nghĩ thông thường. Ông chia sẻ suy nghĩ của mình về việc định vị hình ảnh một người thầy thuốc trong xã hội. Ông thẳng thắn phê phán việc dùng từ “cứu người” để mô tả hành động chữa được ca bệnh khó. Điều này tưởng chừng nghe rất nhân văn, là việc làm phúc đức.
Tuy nhiên, khi đặt ngược lại vấn đề thì nếu coi các bác sĩ là người cứu nhân độ thế vô hình chung lại để bác sĩ đặt mình ở vị trí cao hơn người khác, nảy sinh tâm lý ban ơn, dễ dẫn đến tự mãn, hách dịch, cửa quyền… Theo ông chỉ nên coi đó là việc chữa bệnh, cách gọi này sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn.
Bức tranh cuộc sống dưới lăng kính của một bác sĩ tiếp tục mở rộng hơn với rất nhiều câu chuyện đời. Đó là cảm xúc của ông khi lần đầu tiên chứng kiến cái chết của bệnh nhân; hay việc chính các bác sĩ lại bỏ bê sức khỏe của mình để chăm lo sức khỏe cho người khác; nghiêm trọng hơn là vấn đề bạo hành tại các cơ sở y tế đã được báo chí nhiều lần nhắc đến như một vấn nạn của xã hội, làm sao để bảo đảm cho nhân viên y tế yên tâm công tác. Mỗi chủ đề được mở ra đều là cuộc đối thoại giữa tác giả với bạn đọc.
Bác sĩ Hiếu sẵn sàng chia sẻ và bộc lộ nhân sinh quan của mình một cách thẳng thắn và có phần gai góc để cho thấy đó thực sự là câu chuyện từ trái tim của chính ông.
Bác sĩ Hiếu sẵn sàng chia sẻ và bộc lộ nhân sinh quan của mình một cách thẳng thắn và có phần gai góc để cho thấy đó thực sự là câu chuyện từ trái tim của chính ông.
Những câu chuyện rất đời ấy của ông chẳng khác nào thước phim tư liệu quý để ta hiểu rõ hơn nỗi nhọc nhằn của nghề, và sự đơn giản trong mong ước của một người bác sĩ. Tất cả hiển hiện qua từng trang sách, từng mẩu chuyện mà cứ lôi cuốn bạn đọc không ngừng.
... đến những vấn đề của ngành, của xã hội
Đầu tiên phải nói, qua từng trang sách ta bắt gặp hình ảnh bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là một người cấp tiến. Có thể do quá trình học tập và làm việc tại những bệnh viện lớn trong nước và quốc tế, được tiếp xúc môi trường công nghệ cao nên ông rất quan tâm việc cập nhật tri thức và phương pháp mới chứ không chỉ dừng lại ở chủ nghĩa kinh nghiệm.
Một thí dụ tiêu biểu nhất là chương trình khám chữa bệnh từ xa telehealth được triển khai đầu tiên tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày 18/04/2020 mà ông kể đến nay đã được cả xã hội ghi nhận là thành tựu y khoa nổi bật của Việt Nam. Mặc dù telehealth chỉ là công cụ hỗ trợ chẩn đoán chỉ định theo dõi điều trị nhưng đây vẫn là bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam.
Theo ông, ngành y hôm nay đã được đặt trong bối cảnh mới. Y học thế giới đã sang trang, tư duy và khẩu hiệu của ngành ngoài thông điệp yêu thương người bệnh còn phải nhấn mạnh tính chuyên nghiệp bởi sự chuyên nghiệp thực sự là hướng đi tất yếu mà y học hiện đại luôn không ngừng bước tới. Nền y học kinh nghiệm đã đến lúc cần bổ sung giá trị mới để hòa nhập và vươn lên rào cản lớn nhất đang ở trong chính bản thân mỗi y bác sĩ.
Ở một vai trò khác bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là người thầy trên bục giảng, ông luôn trăn trở về giáo dục. Ông tự hỏi trong những bó hoa những gói quà được gửi đi vào ngày 20/11 có bao nhiêu là tấm lòng thực sự của những người học trò, còn bao nhiêu là hình thức và lãng phí.
Dưới góc nhìn rộng hơn của một nhà quản lý cấp cao, ông nghĩ về tương lai khi hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn như con thuyền không người lái chưa tìm được hướng đi. Ông mạnh dạn và tiên phong đề xuất ba chữ cho triết lý giáo dục hiện nay đó là xây dựng một nền giáo dục “không nói dối”. Có những nghịch lý chỉ người trong ngành mới hiểu mà theo ông ngay cả trong ngành y việc đào tạo cũng có vô vàn bất cập.
Ông nhìn một số vấn đề của y tế dưới góc nhìn xã hội học. Đó là tình trạng người mắc bệnh nan y ngày càng trẻ hơn; việc lạm dụng chỉ định điều trị; hay tình trạng đi ra nước ngoài chữa bệnh do thiếu niềm tin vào đội ngũ bác sĩ “nội”. Hay vụ án tốn nhiều giấy mực nhất trong lịch sử ngành y là vụ chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình. Với tư cách một đại biểu Quốc hội ông thẳng thắn nêu vấn đề vốn được coi là khoai nhất, tế nhị nhất là hoa hồng cho bác sĩ, an toàn thực phẩm và đa dạng các chủ đề khác.
Y học thế giới đã sang trang, tư duy và khẩu hiệu của ngành ngoài thông điệp yêu thương người bệnh còn phải nhấn mạnh TÍNH CHUYÊN NGHIỆP bởi sự chuyên nghiệp thực sự là hướng đi tất yếu mà y học hiện đại luôn không ngừng bước tới.
- PGS, TS, BS Nguyễn Lân Hiếu -
Xen kẽ những bài phân tích thẳng thắn và sắc sảo về các vấn đề xã hội, người đọc vẫn bắt gặp rất nhiều thông điệp sống tử tế, quan tâm, yêu thương con người với một trái tim chân thành. Bởi những gì xuất phát từ trái tim, sẽ chạm đến được trái tim.
Xuyên suốt cuốn sách là những câu chuyện nhỏ như những bài blog mà ngày tháng viết không theo trật tự của thời gian giúp mọi người có cơ hội đi sâu hơn vào những bề bộn của ngành y, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn và tri ân nỗ lực của người thầy thuốc. Tất cả, được tác giả kết nối với nhau tạo thành bức tranh đa sắc của cuộc sống, gói gọn trong hơn 300 trang giấy của cuốn sách bìa xanh đơn sắc giống màu áo của bác sĩ trong phòng phẫu thuật. Đó cũng là màu xanh của hi vọng, của sự sống, mộc mạc, giản dị.