Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 4515/KH-BHXH về cải cách hành chính năm 2024, tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.
Cơ quan này xác định, cải cách hành chính xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính (thủ tục hành chính); bảo đảm xử lý kịp thời, công khai, đầy đủ, đúng quy định các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và nhân dân.
Sửa đổi, bổ sung luật theo định hướng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội
Năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành cải cách hành chính đồng bộ, thống nhất ở các lĩnh vực: thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Đồng thời, ngành chú trọng xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể
Thứ nhất là về cải cách thủ tục hành chính: Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp thủ tục hành chính yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở.
100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội trong đó mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 88%.
Về cải cách tổ chức bộ máy: sắp xếp tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành bảo hiểm xã hội, bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Về cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức về trình độ, năng lực, phẩm chất; nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức về hành chính phục vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Năm điểm nhấn về chính sách bảo hiểm xã hội trong năm 2023
Thứ hai là về cải cách tài chính công: Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính của ngành; quản lý, sử dụng tài sản theo hướng gắn với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, tài sản được giao; tiếp tục đẩy mạnh vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị.
Thứ ba là về mục tiêu xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu.
100% thủ tục hành chính có dịch vụ công đủ điều kiện thực hiện trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 50% thủ tục hành chính có dịch vụ công trực tuyến toàn trình dành cho cá nhân được cung cấp trên ứng dụng VssID-bảo hiểm xã hội số.
100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
100% các hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và/hoặc Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia hoặc các nền tảng khác theo quy định. Thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đã được chia sẻ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì không phải cung cấp lại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Cung cấp dữ liệu mở theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Duy trì kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Duy trì Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành bảo hiểm xã hội (DWH); nghiên cứu sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) để quản lý, phân tích dữ liệu, cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của ngành.
88% hồ sơ công việc trong toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
50% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội, trong đó có 35% sử dụng ứng dụng VssID.