Bên cạnh đó, công tác quản lý quỹ luôn được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt lên hàng đầu, theo hướng phát triển bền vững và bảo đảm quyền lợi người tham gia. Ðặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, Chính phủ kịp thời ban hành chính sách liên quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...
Nỗ lực mở rộng diện bao phủ
Chiều 22/10, trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 tại Quốc hội, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho biết, hết năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (với 27 Nghị định, sáu Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 35 Thông tư). Ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng số tiền hơn 137,6 tỷ đồng, tăng 35% so năm 2019.
Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, nhất là phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,1 triệu người, chiếm 2,33% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt hơn 16,176 triệu người và bằng 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt chỉ tiêu đặt ra của năm 2020.
Tuy nhiên, theo đánh giá, số người tham gia bảo hiểm xã hội mặc dù có tăng nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp giảm, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng so năm 2019. Nguyên nhân là do số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội tăng cao. Nhận thức của một số lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia bảo hiểm xã hội vẫn còn hạn chế, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gặp nhiều hạn chế...
Theo thống kê có hơn 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động; hơn 213.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia đầy đủ. Cơ quan bảo hiểm xã hội rà soát hơn 196.000 doanh nghiệp và xác định được gần 388.000 người lao động thuộc đối tượng nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ðiều đó cho thấy, dư địa phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong khả năng quản lý thực tế còn không nhiều. Trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội, việc phát triển lực lượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là việc phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu năm 2021 mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.
Về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, tỷ lệ người hưởng so với tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội những năm qua luôn ở mức 5%, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có tăng do tác động của dịch Covid-19, nhưng dịch bệnh chỉ là một nhân tố xúc tác của tình trạng này. Mà nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn tương đối dễ dàng, mức hưởng cao; thủ tục hưởng được đơn giản hóa, thuận tiện nhiều hơn so với trước đây...
Nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội
Với thực tế hiện nay, trong báo cáo của Chính phủ cũng kiến nghị và đề xuất với Quốc hội, tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, nhất là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Ðồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng bảo hiểm xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ...
Tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ chỉ rõ nhu cầu quan trọng hiện nay là khẩn trương xây dựng để trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Việc làm. "Chúng ta đã có Bộ luật Lao động. Trung ương cũng đã có hai Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, với rất nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Nghị quyết 28-NQ/TW ban hành từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật là chậm, do đó cần phải khẩn trương hơn".
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nếu Luật Bảo hiểm xã hội được sửa sớm, chúng ta sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bởi, luật hiện nay quy định 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được hưởng chế độ hưu trí, nhưng điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần lại đơn giản. Nghị quyết 28-NQ/TW có nêu vấn đề rút ngắn thời hạn đóng, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Việc rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu chính đáng của người lao động, nhưng nếu họ được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, mà chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của người lao động là chính, thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay. "Vì thế, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, làm được điều này sẽ giữ được số lượng người lao động ở lại trong hệ thống bảo hiểm xã hội nhiều hơn; tránh việc phát triển mới người tham gia bảo hiểm xã hội được 10 phần, nhưng số người rút ra khỏi hệ thống lại mất bảy, tám phần, như vậy số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng nhưng không đáng kể", Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ khẳng định.