Tỉnh Sơn La có hơn 80.000 ha cây ăn quả các loại với sản lượng khoảng 400.000 tấn. Trong mấy năm gần đây, tỉnh đã có nhiều giải pháp trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với tiêu thụ, xuất khẩu. Sơn La cũng đã trở thành địa phương trồng cây ăn quả lớn nhất miền bắc, đạt được những kết quả ấn tượng về xuất khẩu và tiêu thụ nông sản.
Chủ trương hợp lòng dân
Tuy nhiên, trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc sản xuất, chế biến, nhất là việc tiêu thụ nông sản của Sơn La gặp nhiều khó khăn. Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thông tin: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản, kết luận hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Thường trực Huyện ủy, Thành ủy bám sát tình hình sản xuất nông sản của địa phương, để có kế hoạch tiêu thụ nông sản phù hợp và hiệu quả; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để có hướng giải quyết. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiêu thụ, chế biến nông sản. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác tiêu thụ, chế biến nông sản tại địa bàn phụ trách. Giao cho các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thành ủy làm Tổ trưởng Tổ chỉ đạo sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của huyện, thành phố.
Từ những chỉ đạo quyết liệt trên cùng với việc phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí đứng đầu cấp ủy các huyện, thành phố, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản của Sơn La được triển khai rất hiệu quả. Trong đó, nhiều sản phẩm cây ăn quả như bơ, chanh leo, thanh long, xoài ghép, nhãn ghép… vẫn xuất khẩu được ra nước ngoài và cho thu nhập từ 200 triệu đồng/ha/năm trở lên.
Ông Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, cho biết: Huyện có hơn 10.000 ha cây ăn quả các loại, tổng sản lượng đạt 66.000 tấn. Từ chủ trương của Tỉnh ủy, huyện đã thành lập Tổ công tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản do Bí thư Huyện ủy làm Tổ trưởng và Chủ tịch UBND huyện làm Tổ phó cùng các thành viên là các ban, ngành liên quan. Tổ công tác thường xuyên đi khảo sát các vùng trồng để xây dựng phương án tiêu thụ; vận động các cán bộ công chức, viên chức huyện thông qua các mối quan hệ, mạng xã hội quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, huyện Yên Châu còn cử cán bộ huyện theo dõi, huy động nhân lực giúp bà con thu hái; khuyến khích thương lái đến thu mua tại vườn, hỗ trợ thương lái bao bì, đóng gói sản phẩm đi tiêu thụ... Như vụ mận năm nay, thu hoạch đúng vào thời điểm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giá mận giảm chỉ 8.000-10.000 đồng/kg. Với 1.800 ha cho thu hoạch, sản lượng hơn 22.000 tấn, huyện Yên Châu đã chủ động phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình đồng hành cùng bà con tiêu thụ mận trên hệ thống siêu thị VINMART, VINMART+ trong toàn quốc.
Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm sản xuất khi đồng chí Bí thư Huyện ủy trực tiếp đến cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo triển khai từ khâu sản xuất cho tới kết nối doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Những lúc khó khăn, lãnh đạo huyện thường xuyên gọi điện thoại động viên và nắm bắt tình hình, sau đó cử cán bộ xuống hỗ trợ, giải quyết”.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ông Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn, khẳng định: Việc thực hiện chủ trương người đứng đầu cấp ủy thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ vừa chỉ đạo sản xuất, vừa chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với sản xuất và đời sống của người dân, nơi có hơn 80% hộ làm nông nghiệp với 15.000 ha cây công nghiệp và gần 11.000 ha cây ăn quả các loại. Chủ trương đã tạo sự đồng bộ thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc…
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ trước thời điểm thu hoạch các loại nông sản. Trong đó đã tổ chức hội nghị trực tuyến, kết nối tiêu thụ nông sản giúp cho người nông dân trong tỉnh, như: Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ xoài, nhãn Sơn La năm 2021 đã được tổ chức, kết nối tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 10 tỉnh, thành phố. Sau hội nghị, Sơn La đã được hỗ trợ đưa các nông sản quảng bá, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử trong nước và nước ngoài. Đồng thời, đưa ra được các phương án lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh và tại các tỉnh có cửa khẩu...
Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, thông tin thêm: Chủ trương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu địa phương trong chỉ đạo hỗ trợ nông dân từ khâu sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm, rất hợp lòng dân. Đến thời điểm này, hàng trăm nghìn tấn nông sản của Sơn La đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho thấy sự vào cuộc rất kịp thời của cấp ủy, chính quyền trong việc bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Câu chuyện cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng hành cùng người dân tiêu thụ nông sản ở Sơn La đã và đang tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, củng cố thêm niềm tin của người dân với hệ thống chính trị. Qua đó, đã góp phần bảo đảm mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch”, thể hiện rõ vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền trong giải quyết những việc khó ở cơ sở.