Cạnh tranh lành mạnh trên thị trường bưu chính

Trong giai đoạn 2019-2023, thị trường bưu chính Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị, từ 28.300 tỷ đồng năm 2019 lên gần 59.000 tỷ đồng năm 2023. Trong đó, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng chủ yếu của thị trường bưu chính khi doanh thu gói, kiện thương mại điện tử chiếm tỷ trọng đến 60% tổng doanh thu dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống chia chọn bưu phẩm tự động của Bưu điện Việt Nam.
Hệ thống chia chọn bưu phẩm tự động của Bưu điện Việt Nam.

Mặc dù doanh thu, sản lượng dịch vụ bưu chính tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2019-2023, nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chậm lại. Đáng chú ý là sự phát triển nóng của thị trường còn dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, dẫn đến nguy cơ xuất hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Hệ lụy từ tăng trưởng nóng

Đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động mua sắm trực tuyến (chủ yếu qua sàn thương mại điện tử) phát triển rất nhanh, trở thành thói quen, nhu cầu thường xuyên của người dân.

Về sản lượng, năm 2019, các doanh nghiệp bưu chính đã chuyển phát 715 triệu bưu gửi. Đến năm 2023, sản lượng toàn thị trường đã đạt gần 2,5 tỷ bưu gửi, trong đó sản lượng gói, kiện thương mại điện tử chiếm tới 75% (khoảng 1,8 tỷ bưu gửi).

Năm 2019, các doanh nghiệp bưu chính đã chuyển phát 715 triệu bưu gửi. Đến năm 2023, sản lượng toàn thị trường đã đạt gần 2,5 tỷ bưu gửi, trong đó sản lượng gói, kiện thương mại điện tử chiếm tới 75% (khoảng 1,8 tỷ bưu gửi).

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, từ năm 2020 trở lại đây, đang có xu hướng các sàn thương mại điện tử tự xây dựng hệ sinh thái khép kín bao gồm cả bộ phận bưu chính để vận chuyển hàng.

Ngay sau khi thành lập và đi vào hoạt động, các doanh nghiệp bưu chính của các sàn thương mại điện tử đã tăng trưởng nhanh chóng, chỉ sau 2-3 năm đều tiến vào Top 10 doanh nghiệp có thị phần sản lượng lớn nhất thị trường. Đồng thời, Top 10 doanh nghiệp bưu chính có thị phần sản lượng lớn nhất hiện nay cũng đều đang tham gia vận chuyển hàng hóa cho các sàn thương mại điện tử.

Vì lẽ đó, thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt, dẫn đến nguy cơ xuất hiện các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lã Hoàng Trung cho biết: Các doanh nghiệp liên tục thực hiện giảm giá, khuyến mãi, tặng quà, thậm chí có những chương trình miễn phí giao hàng, tặng phiếu giảm giá quanh năm. Đây là các hình thức khác nhau để giảm giá của doanh nghiệp. Mặt khác, các sàn thương mại điện tử đang chỉ định một số ít doanh nghiệp bưu chính tham gia vận chuyển hàng hóa giao dịch của mình, trong khi người bán và người mua lại không được lựa chọn doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa do mình mua/bán.

Đáng lo ngại là dù chất lượng dịch vụ bưu chính đang liên tục được cải thiện, nhưng do sản lượng bưu gửi tăng rất nhanh trong những năm qua, năm 2023 mỗi ngày trung bình có gần bảy triệu bưu gửi, trong đó khoảng năm triệu bưu gửi thương mại điện tử được chuyển phát qua dịch vụ bưu chính. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp chưa bảo đảm được chất lượng dịch vụ, còn hiện tượng bưu gửi đến chậm, không nguyên vẹn, thậm chí mất bưu gửi.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam Nguyễn Trường Giang, thực tế các doanh nghiệp bưu chính nội địa đang phải đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng ngành nghề của các sàn thương mại điện tử, công ty chuyển phát xuyên biên giới.

Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang không ngừng mở rộng nguồn vốn đầu tư, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, tăng chiết khấu, khuyến mại để cạnh tranh giành thị phần. Mặc dù tính hiệu quả ngắn hạn của việc cạnh tranh về giá là không thể phủ nhận, song về dài hạn, việc này có thể mang đến những hệ lụy tiêu cực đối với các doanh nghiệp “phá giá”, các doanh nghiệp cùng ngành khác và cho cả thị trường bưu chính Việt Nam.

Tăng cường quản lý cạnh tranh

Cạnh tranh lành mạnh trên thị trường bưu chính ảnh 1

Khách đăng ký dịch vụ chuyển phát tại tại bưu cục. Ảnh: VNPost

Luật Cạnh tranh đã quy định cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh; áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng.

Để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường bưu chính, Vụ trưởng Lã Hoàng Trung cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Bưu chính, trong đó, chú trọng bổ sung các nội dung về điều kiện cấp phép hoạt động bưu chính cũng như quy định đặc thù về doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

Nhà nước cần quản lý cạnh tranh để tạo cơ sở pháp lý từ văn bản quy phạm pháp luật cao nhất, từ đó đưa ra các quy định chế tài (thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép lâu dài) ở Nghị định xử phạt đối với các doanh nghiệp khi có vi phạm về giá cước, khuyến mại, cạnh tranh.

Bên cạnh đó, bổ sung các điều kiện về bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu của người sử dụng dịch vụ bưu chính, trở thành các điều kiện để tiếp cận thị trường bưu chính Việt Nam; nghiên cứu bổ sung quy định về “kiểm tra yếu tố hình thành giá” khi giá cước dịch vụ bưu chính có biến động bất thường.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện đúng quy định về giá cước, chất lượng, công khai kết quả của 20 doanh nghiệp bưu chính lớn nhất trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ sẽ xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép các doanh nghiệp bưu chính vi phạm quy định nhiều lần hoặc sử dụng giấy phép bưu chính sai mục đích; phối hợp chặt chẽ với sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bưu chính tại địa phương.

Bộ sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan để quản lý cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu người dùng dịch vụ bưu chính, nhất là phối hợp Bộ Công thương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra liên ngành cả doanh nghiệp bưu chính lẫn doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, bảo đảm các sàn này phải công khai tiêu chí lựa chọn đơn vị vận chuyển hàng hóa mua bán trên sàn.

Hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành đánh giá, công khai chất lượng dịch vụ bưu chính của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường truyền thông chính sách pháp luật bưu chính để phổ biến về cạnh tranh lành mạnh, trong đó tổ chức các hội nghị, diễn đàn, trao đổi và đối thoại với doanh nghiệp về các giải pháp bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường bưu chính.

Để góp phần xây dựng thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững, ông Nguyễn Trường Giang cho biết, Hiệp hội Bưu chính Việt Nam sẽ tham gia tích cực đóng góp, xây dựng môi trường pháp lý minh bạch thông qua việc cập nhật, nắm bắt thường xuyên những thay đổi, điều chỉnh của quy định liên quan đến lĩnh vực bưu chính cũng như các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trong ngành để phản ánh, tham vấn cho cơ quan quản lý nhà nước.

Với khát vọng kiến tạo một nền bưu chính phát triển xanh, bền vững, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, khai thác tối đa lợi thế và thị trường, Hiệp hội Bưu chính Việt Nam sẽ từng bước mở rộng các hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và khách hàng.