Cảnh sát Trung Quốc điều tra "tin giả" do ChatGPT tạo ra

NDO - Một "thông cáo báo chí" có nội dung không đúng sự thật được lan truyền rộng rãi trên mạng, đã khiến cảnh sát Trung Quốc phải vào cuộc điều tra, xử lý.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa của Mạng Doanh nhân Trung Quốc. (Ảnh: iceo.com.cn)
Ảnh minh họa của Mạng Doanh nhân Trung Quốc. (Ảnh: iceo.com.cn)

Trang mạng Kinh tế Trung Quốc ngày 17/2 đăng thông tin cho biết, một "thông cáo báo chí" về việc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang sẽ hủy bỏ biện pháp hạn chế phương tiện giao thông lưu hành theo biển số và khung giờ, được lan truyền rộng rãi trên mạng. Cơ quan chức năng địa phương xác nhận, đây là thông tin không đúng sự thật.

Qua tìm hiểu được biết, chiều 16/2, một nhóm trò chuyện của cư dân một chung cư ở Hàng Châu thảo luận về chủ đề ChatGPT. Một người trong đó đã nói đùa rằng muốn thử dùng ứng dụng này để tạo ra một "thông cáo báo chí" về việc thành phố Hàng Châu hủy bỏ biện pháp hạn chế phương tiện giao thông lưu hành để giảm ùn tắc giao thông.

Người này đã phát trực tiếp quá trình tạo ra nội dung bằng ChatGPT trong nhóm trò chuyện, sau đó gửi nội dung đó lên nhóm. Một thành viên của nhóm không rõ đầu đuôi sự việc, đã chụp màn hình gửi sang các nhóm khác nhau, dẫn đến thông tin sai lệch này được phát tán rộng rãi.

Báo chí Trung Quốc cho biết, hiện cơ quan cảnh sát địa phương đã vào cuộc điều tra, người phát tán thông tin cũng đã xin lỗi công khai, cơ quan chức năng thành phố Hàng Châu xác nhận không hề đăng tải "thông cáo báo chí" này.

Tuy sự việc đã rõ ràng, nhưng nội dung sai sự thật này đã gây ra những tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Trung Quốc về chính sách hạn chế lưu lượng phương tiện giao thông ở các thành phố lớn để hạn chế ùn tắc vào các giờ cao điểm.

Cơ quan chức năng Trung Quốc cảnh báo, đơn vị nghiên cứu trí tuệ nhân tạo OpenAI-nhà phát triển ChatGPT chưa hề cung cấp các dịch vụ liên quan ChatGPT tại nước này, và cũng không có doanh nghiệp trong nước nào đang vận hành các dịch vụ này.

Cơn sốt ChatGPT đã khiến mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện không ít tài khoản và sản phẩm công nghệ mạo danh ChatGPT với chiêu trò cho sử dụng miễn phí một số lần, sau đó bắt đầu thu phí với số tiền cao tới gần 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng).

Không những vậy, việc sử dụng ChatGPT vào mục đích xấu cũng sẽ dẫn đến vấn đề an toàn, bảo mật dữ liệu, thậm chí biến ứng dụng này trở thành "công cụ ngụy tạo tin đồn".

Cơ quan an ninh mạng Trung Quốc khuyến cáo người dân cần thận trọng xác thực thông tin trên mạng, nhất là các nội dung do ChatGPT tạo ra, sử dụng các phần mềm đúng quy định của pháp luật, có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân.