Trung Quốc cảnh báo rủi ro liên quan ChatGPT

NDO - Thời gian qua, "cơn sốt" toàn cầu do ChatGPT tạo ra, đã kéo nhiều hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc vào cuộc chạy đua nghiên cứu, phát triển các ứng dụng tương tự. Giới truyền thông và chuyên gia Trung Quốc đã chỉ ra những triển vọng phát triển, cũng như rủi ro tiềm ẩn liên quan công nghệ này.
0:00 / 0:00
0:00
Baidu tuyên bố phát triển các ứng dụng tương tự ChatGPT, với tên tiếng Anh là ERNIE Bot. (Ảnh: DONEWS)
Baidu tuyên bố phát triển các ứng dụng tương tự ChatGPT, với tên tiếng Anh là ERNIE Bot. (Ảnh: DONEWS)

Triển vọng ứng dụng nhiều lĩnh vực

Các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Baidu, JD.com, HKUST Xunfei, Tencent, Alibaba... đã lần lượt tuyên bố gia nhập "đường đua" nghiên cứu và phát triển công nghệ tương tự, dự báo ChatGPT phiên bản Trung Quốc có thể ra mắt công chúng vào tháng 3 tới.

Tờ Kinh tế tham khảo (Trung Quốc) dẫn ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho biết, ChatGPT đại diện cho xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo theo hướng thông minh hơn, thông dụng hơn, dự báo việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ tăng tốc trong tương lai, để ứng dụng vào nhiều môi trường, hoàn cảnh trong đời sống kinh tế-xã hội, tuy nhiên việc ứng dụng thương mại trên quy mô lớn vẫn cần tiếp tục được tìm tòi, phát triển thêm.

Với 1 triệu người dùng chỉ trong 5 ngày, 100 triệu người dùng sau 2 tháng ra đời, ChatGPT đã trở thành ứng dụng có số lượng người dùng tăng nhanh nhất mọi thời đại.

Theo ông An Huy, Phó kỹ sư trưởng của Viện Nghiên cứu phát triển ngành thông tin điện tử Trung Quốc, là mô hình ngôn ngữ huấn luyện trước quy mô lớn, sự xuất hiện của ChatGPT đánh dấu bước tiến mới về công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, với khả năng hiểu, tổ chức và mô phỏng ngôn ngữ mạnh hơn, cũng cho thấy công nghệ AIGC (nội dung tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo) đã có tiến bộ mới, cả về phạm vi, hiệu quả và độ chính xác của nội dung, đưa tới dự báo công nghệ AI sẽ được phổ cập trên phạm vi rộng.

Về việc nhiều hãng công nghệ Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực này, ông Trương Kiệt, Phó Chủ tịch Hãng công nghệ Kejin Zhongguancun nhận định, ChatGPT liên quan nhiều cấp độ khả năng công nghệ như chip, khả năng tính toán, mô hình, công cụ, kịch bản...; nếu như các gã khổng lồ công nghệ có thể tham gia cả chuỗi ngành nghề, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh từ nguồn lực vốn có và thế mạnh của mình.

Sự xuất hiện của ChatGPT chỉ là mở ra một lối nhỏ trên con đường vươn tới "trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ", trong tương lai có thể xuất hiện các công cụ có khả năng khai thác kiến thức và suy luận phức tạp hơn nhiều.

Theo nhận định của các chuyên gia, ChatGPT mang đến phương thức thu thập thông tin hiệu quả, được kỳ vọng trở thành một công cụ sản xuất quan trọng với phạm vi ứng dụng rộng rãi.

Ông An Huy dự báo, ChatGPT sẽ nhanh chóng thâm nhập các lĩnh vực văn phòng thông minh, nghiên cứu khoa học thông minh, giáo dục thông minh, chăm sóc y tế thông minh, trò chơi và báo chí...; thậm chí mang lại các dịch vụ cá nhân hóa, chất lượng cao về tài chính, truyền thông, giải trí, thương mại điện tử cho các nhóm người tiêu dùng khác nhau.

Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn

Phát triển và ứng dụng ChatGPT và các sản phẩm tương tự vẫn còn ở giai đoạn ban đầu, còn không ít thách thức để có thể đưa vào ứng dụng thương mại trên quy mô lớn, bởi cần sự đầu tư lớn về công nghệ và tài chính để tạo ra tài nguyên dữ liệu, sức mạnh tính toán và nguồn nhân lực.

Đáng chú ý, ChatGPT khiến cho các rủi ro trí tuệ nhân tạo trở nên nổi bật hơn, như vấn đề bảo mật quyền riêng tư, xác thực thông tin..., chỉ khi giải quyết được những bài toán này, các công nghệ và ứng dụng liên quan ChatGPT mới có thể thực sự phát triển rộng rãi.

Hãng tin Tân Hoa dẫn ý kiến của ông Hoàng Thiết Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu AI Trí Nguyên Bắc Kinh cho biết, thành công của ChatGPT không chỉ là đột phá của thế hệ robot trò chuyện mới, mà nên coi đây là một cuộc cách mạng cho trí tuệ nhân tạo, thậm chí cả ngành công nghiệp thông tin.

Sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu trong lĩnh vực mô hình trí tuệ nhân tạo quy mô lớn ngày càng gay gắt.

Theo ông Hoàng Thiết Quân, ChatGPT có khả năng biến thành một nền tảng điều hành và hệ sinh thái thế hệ mới trong tương lai, sự thay đổi này tương tự như sự chuyển đổi internet di động từ máy tính cá nhân sang điện thoại di động, với phạm vi ảnh hưởng từ ứng dụng đến hạ tầng, gây nên sự đổi thay to lớn cho cả bố cục ngành nghề. Trong đó, cuộc cạnh tranh về hệ sinh thái mô hình lớn và hệ thống hỗ trợ phần mềm và phần cứng sẽ là tiêu điểm của ngành công nghiệp thông tin trong 10 năm tới.

Các chuyên gia công nghệ cảnh báo, không thể bỏ qua những rủi ro mà ChatGPT có thể gây nên, như gian lận học thuật, lạm dụng công nghệ, an ninh và bảo mật thông tin...

Chủ nhiệm Phòng thí nghiệm robot Đại học Khoa học-công nghệ Trung Quốc Trần Tiểu Bình lưu ý, ChatGPT đôi khi "nói những điều vô nghĩa một cách thản nhiên", tạo ra những lỗi thực tế, "điểm mù kiến thức" hoặc làm sai lệch nhận thức thông thường; ngoài ra, cũng đối mặt các rủi ro phổ biến trong trí tuệ nhân tạo như tính phù hợp của nguồn dữ liệu huấn luyện, sử dụng dữ liệu sai lệch, tạo thông tin giả, tranh chấp bản quyền.

Nhiều tạp chí học thuật nổi tiếng thế giới đã cập nhật quy tắc biên tập của mình, với yêu cầu bất kỳ công cụ mô hình ngôn ngữ quy mô lớn nào đều không được chấp nhận là tác giả của các bài báo nghiên cứu; bởi ChatGPT hay bất kỳ hệ thống AI nào khác đều không thể đáp ứng 2 điều kiện là có đóng góp thực tế cũng như chịu trách nhiệm liên quan đến tác phẩm.

Đáng chú ý, ChatGPT cũng tiềm ẩn nguy cơ bị sử dụng vào các cuộc chiến thông tin-dư luận khi có thể tạo ra các thông tin không chính xác hoặc những nội dung sai lệch, độc hại.

Ông Đường Gia Du, Phó Chủ tịch Công ty Công nghệ thông minh Thụy Lai Bắc Kinh nhận định, để giải quyết bài toán này, cùng với việc phát triển công nghệ, cần phải kiểm soát ranh giới ứng dụng của ChatGPT, thiết lập các quy định pháp lý quản lý nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra, nhằm hạn chế việc sử dụng công nghệ để tạo và phát tán các nội dung sai sự thật, xấu độc.

Giới chuyên gia khuyến nghị, cần tăng cường nghiên cứu, phát triển các công cụ quản trị, nhằm xác minh các nội dung tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo thông qua các giải pháp công nghệ, đây là tiền đề quan trọng để kiểm tra nội dung và xác nhận quyền tác giả.