Cần xử lý tình trạng sạt lở cát tại thắng cảnh Bàu Trắng

NDO - Chiều 4/5, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bình Thuận có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sạt lở cát tại thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, đồng thời, đề xuất giải pháp xử lý tình trạng này.
0:00 / 0:00
0:00
Vị trí Đồi cát Trinh Nữ bị sạt lở đã được cơ quan chức năng cắm cọc, giăng dây cảnh báo du khách và các xe hoạt động du lịch không được đến gần.
Vị trí Đồi cát Trinh Nữ bị sạt lở đã được cơ quan chức năng cắm cọc, giăng dây cảnh báo du khách và các xe hoạt động du lịch không được đến gần.

Trước đó, vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 3/5, tại vị trí ở cuối đuôi Hồ Bàu Bà về hướng Đông Nam, đoạn tiếp giáp giữa bờ hồ Bàu Bà và chân Đồi cát Trinh Nữ đã xảy ra sạt lở cát xuống hồ Bàu Bà, chiều dài khu vực sạt lở khoảng 70-80m, chiều ngang nước lấn vào Đồi cát khoảng 25m.

Đến sáng 4/5, tình trạng sạt lở tại đây không còn diễn ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã cắm cọc, giăng dây, cắm biển cảnh báo du khách và các xe hoạt động du lịch không được đến gần.

Cần xử lý tình trạng sạt lở cát tại thắng cảnh Bàu Trắng ảnh 1
Thắng cảnh Bàu Trắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2019.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh để xác định, đánh giá được nguyên nhân sạt lở thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng, cần phải có sự vào cuộc của các nhà khoa học, chuyên gia.

Đồng thời, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý đối với thắng cảnh Bàu Trắng trong thời gian tới.

Theo đó, giao UBND huyện Bắc Bình chỉ đạo Ban Quản lý điểm du lịch Bàu Trắng tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở có thể xảy ra để có phương án cảnh báo an toàn cho du khách; thực hiện cắm cờ cảnh báo khu vực không an toàn thay cho hình thức cắm cọc và giăng dây như hiện nay.

Trước mắt khống chế, kiểm soát phạm vi di chuyển của tất cả các phương tiện hoạt động tại Ðồi cát Trinh Nữ phải cách bờ hồ Bàu Trắng ít nhất 100m; du khách có nhu cầu tham quan hồ Bàu Trắng thì đi bộ đến khu vực bờ hồ.

Ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý di tích thắng cảnh Bàu Trắng để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện Bắc Bình thành lập đoàn khảo sát và mời các nhà khoa học, chuyên gia tham gia để kiểm tra, đánh giá nguyên nhân của việc sạt lở tại thắng cảnh Bàu Trắng và đề xuất các phương án xử lý trong thời gian tới.

Cùng với đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND huyện Bắc Bình tổ chức đoàn công tác khảo sát, kiểm tra, rà soát lại tổng thể hiện trạng đất, việc sử dụng đất trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I và bảo vệ II của di tích thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng.

Qua đó, có ý kiến cụ thể việc quản lý, sử dụng đất tại khu vực này có bảo đảm đúng với quy định của pháp luật về đất đai không.

Giao Sở Kết hoạch và Ðầu tư tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bắc Bình tiến hành rà soát, đánh giá lại việc các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch tại đây có tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư không; qua đó, đề xuất chấn chỉnh, đưa ra các giải pháp quản lý, phát huy hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch tại đây bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng quy định.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó nêu rõ, danh thắng Bàu Trắng là một trong những điểm du lịch quan trọng của khu du lịch Quốc gia Mũi Né. Phải thực hiện khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, xác định là biểu tượng độc đáo của Mũi Né. Định hướng khai thác các giá trị cảnh quan gắn với bảo vệ môi trường.

Năm 2019, thắng cảnh Bàu Trắng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Tổng thể thắng cảnh Bàu Trắng, gồm: Bàu Ông, Bàu Bà và Đồi Trinh Nữ được khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích 371,88ha; trong đó khu vực I: diện tích 285,91ha; khu vực II: diện tích 85,97ha.