Cần xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn

NDO - Tình trạng ngộ độc thực phẩm hiện diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và niềm tin tiêu dùng đòi hỏi cần có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) chia sẻ thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) chia sẻ thông tin về vấn đề an toàn thực phẩm.

Ngày 15/11, Tạp chí Công thương tổ chức hội nghị “Phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn”.

Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong công tác phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn; thảo luận về các giải pháp phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn, hoàn thiện chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm, giải pháp công nghệ số, giải pháp bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm trong các hệ thống, cơ sở kinh doanh thực phẩm…

Báo động tình trạng mất an toàn thực phẩm

Tiến sĩ, bác sĩ Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp.

"Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu; người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực", ông Trung bày tỏ.

Cần xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn ảnh 1

Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội nghị.

Theo ông Trung, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm trong nước chủ yếu là nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ. Trong 500 nghìn cơ sở chế biến thực phẩm, có 85% cơ sở quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ nên việc đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng còn hạn chế, trên 70% nông dân vẫn sống bằng nông nghiệp.

Trong khi đó, người dân còn có tập quán sử dụng thực phẩm không bảo đảm như: Ăn tiết canh, ăn gỏi cá... Một bộ phận người dân đời sống kinh tế còn thấp (nhất là ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa) nên chấp nhận sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Tiến sĩ Cao Văn Trung nhận định, hiện có một bộ phận cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường. Bên cạnh đó, việc nở rộ kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới... khiến công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm khó khăn hơn.

Về mặt chủ quan, hiện lực lượng cán bộ quản lý an toàn thực phẩm còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Hệ thống pháp luật tuy đã có, hệ thống tổ chức tuy đã được hình thành nhưng yếu về chuyên môn, thiếu về số lượng.

Cần xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn ảnh 2

Bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phát biểu.

Theo bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), hiện nay, thực phẩm được lưu thông, buôn bán chủ yếu qua kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa), đặc biệt là thực phẩm tươi sống.

Theo thống kê, cả nước có 8.517 chợ, trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại. Trong đó, chợ vẫn là kênh cung ứng thực phẩm chính trên cả nước.

Hệ thống phân phối hiện đại của các nhà bán lẻ dù đóng góp đáng kể vào việc phân phối thực phẩm theo xu hướng phân phối hiện đại, truy xuất được nguồn gốc từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng nhưng vẫn chưa được nhiều người dân lựa chọn.

Cần tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm soát thực phẩm

Theo bà Lê Thị Việt Nga, quản lý an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là một công tác khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự chung tay đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Bộ Công thương luôn lồng ghép mở rộng phạm vi tiêu thụ của thực phẩm an toàn trong các chương trình bình ổn giá, các hội nghị kết nối giao thương đặc sản địa phương, mở điểm bán nông sản thực phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử.

Theo ông Trung, để bảo đảm thực phẩm lưu hành trên thị trường an toàn, chúng ta cần phải truyền thông và đẩy mạnh mở rộng các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm có thế mạnh ở Việt Nam. Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích giết mổ tập trung, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm ở tuyến cơ sở, công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho hay, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ để giúp các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình nhằm phát triển hệ thống kinh doanh thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng, khi thay đổi mô hình quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối, lồng ghép an toàn thực phẩm thành nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các bộ, ngành, đơn vị thì Bộ cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, chia sẻ thông tin thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, hệ thống thông tin hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành để công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đạt hiệu quả.