Những ngày lễ, Tết là dịp nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện về kinh tế mở rộng tấm lòng, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là việc làm đáng quý cần được biểu dương và nhân rộng. Tuy nhiên, những vụ ngộ độc gần đây, nhất là vụ ngộ độc sau khi ăn bánh Trung thu khiến 50 người xuất hiện triệu chứng khó chịu, quặn ruột, đau, trong đó 19 người phải nhập viện để chăm sóc y tế, một cháu bé tử vong, làm nhiều người lo lắng. Qua điều tra, thực phầm khiến các cháu bé bị ngộ độc là bánh su kem. Bánh này được chủ một cửa hàng tại quận Bình Thạnh tài trợ cho Chương trình Trung thu của chung cư Palm Heights (phường An Phú, thành phố Thủ Đức). Chiều 29/9, Ban quản lý chung cư đã tổ chức phát 230 phần quà có bánh su kem cho các cháu là con của cư dân và nhân viên tại chung cư.
Đến ngày 30/9, Bà Phan Thị U., nhân viên vệ sinh của chung cư (cư trú phường Bình Trưng Tây) đã mang 5 bánh su kem về nhà và cùng hai con sử dụng. Sau khi ăn bánh, bà U. cùng hai con là L.V.T. và P.N.Q. (6 tuổi) có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy. Đến sáng 1/10, chồng bà U. đưa hai con đi khám tại phòng khám trên đường Nguyễn Duy Trinh và được chẩn đoán bị trúng thực và tiến hành cấp phát thuốc điều trị tại nhà. Chiều cùng ngày, bé N. được đưa vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu với tình trạng tím tái toàn thân, khi vào cấp cứu bệnh viện xác định cháu đã tử vong ngoài viện. Đến sáng 2/10, Công an phường An Phú tiếp nhận thông tin và đã phối hợp Công an thành phố Thủ Đức cùng các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường và xác định ban đầu có 10 cháu nghi bị ngộ độc sau khi ăn bánh su kem, trong đó có 1 cháu tử vong.
Chị Nguyễn Thị Hậu Phương (thành phố Thủ Đức) cho biết: “Trước đây, khi thấy phát cơm chay ngày mồng 1 âm lịch hoặc ngày rằm, tôi cũng hay đến xin một phần cơm, tuy nhiên gần đây thấy có nhiều vụ bị ngộ độc quá, tôi cũng thấy sợ, những phần quà từ thiện đó giúp chúng tôi cảm thấy ấm lòng và giảm bớt phần nào khó khăn. Với chúng tôi, đỡ được bữa nào tốt bữa đó. Dịp Trung thu vừa qua gia đình tôi cũng được tặng bánh. Nói thật, nếu không được tặng, tôi cũng không dám bỏ ra hàng trăm nghìn để mua mấy cái bánh Trung thu cho gia đình”.
Bà Đặng Thị Hồng Lý, Trưởng nhóm thiện nguyện nữ doanh nhân cho biết: Sau những sự vụ như vậy, chúng tôi cũng cẩn thận hơn, chỉ tặng phần quà là những đồ khô như phở, bún, bánh đóng gói để mọi người tự chế biến theo nhu cầu. Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Câu lạc bộ nữ cựu Chiến binh quận Tân Bình cho biết, câu lạc bộ chuẩn bị những phần quà tặng là tiền mặt để mọi người chủ động hơn.
Từ vụ việc nêu trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, thực phẩm từ thiện là mảng còn trống và chưa có cách quản lý hiệu quả. Loại này có nhiều điểm tương tự với thực phẩm đường phố, không cần đăng ký kinh doanh, không cần giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. “Mục tiêu của ban trong bảo đảm an toàn thực phẩm là tăng cường tuyên truyền, hạn chế đến mức thấp nhất, thậm chí là không để bất kỳ vụ ngộ độc nào xảy ra kể cả về số lượng và quy mô. Sau vụ việc ngộ độc vừa xảy ra thì mục tiêu đặt ra đã bước đầu thất bại. Phải khẳng định là chúng ta tuyên truyền chưa tới với cộng đồng về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đến nay vẫn chưa thể biết được mầm bệnh nhiễm vào thực phẩm như thế nào” - bà Lan nhận định.
Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố cho biết thêm: Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng ngừa xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cơ quan chức năng như Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Y tế, các cấp chính quyền địa phương sẽ phối hợp tăng cường tuyên truyền, cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm cho các nhóm đối tượng chế biến, kinh doanh, tiêu dùng; trách nhiệm pháp lý khi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường giám sát các bếp ăn tập thể trên địa bàn; tập huấn kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho các nhóm người chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phát thức ăn tại các nơi tâm linh, tín ngưỡng; nhóm thiện nguyện trên các địa bàn dân cư... Mặt khác, các trung tâm y tế quận, huyện, thành phố cần tập trung tuyên truyền cho đại diện các chùa, đình, ban trị sự, bếp ăn từ thiện... biết được những quy định về an toàn thực phẩm và trách nhiệm pháp lý để thực hiện đúng, tránh những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra.
Cô Phan Thị Kim Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non 2, Quận 4 cho biết: “Hiện nay, khi tổ chức các ngày lễ cho các bé, cũng có nhiều phụ huynh muốn ủng hộ đồ ăn, nước uống cho các bé, tuy nhiên nhà trường đều từ chối. Chúng tôi chỉ nhận những sản phẩm được đóng gói sản xuất có tem nhãn mác đầy đủ, có chứng nhận chuẩn an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa việc các bé sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất”.
Trong khi chờ các cấp chính quyền phối hợp thực hiện các biện pháp siết chặt hơn quy trình quản lý thực phẩm từ thiện, thực phẩm đường phố, từng gia đình và cộng đồng luôn phải tự bảo vệ chính mình, phải sử dụng thực phẩm, suất ăn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ■