Thời gian qua, các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã phối hợp hiệu quả để xây dựng hệ thống quản lý, đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm trong nước. Tháng 6/2023, ba Bộ đã thành lập và cử chuyên gia tham gia Nhóm kỹ thuật đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm. Về lâu dài, đây là đội ngũ nòng cốt cho việc thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ quốc gia về an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nêu rõ sự quan trọng của đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh ngành mới phát triển, còn thiếu nhân lực, nguồn lực, cần xác định vùng rủi ro, mức độ ảnh hưởng để hành động hiệu quả.
“Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn thể xã hội chứ không phải của riêng ai. Việc quản lý chuỗi cần bắt nguồn từ gốc. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ giám sát, đánh giá, cảnh báo, và quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm nông sản và thủy sản tiêu dùng. Nhưng để nhận diện mối nguy, đánh giá phơi nhiễm và kiểm tra thực tế, cần hợp tác với các bộ, ngành và địa phương”, ông Tiệp nói.
Tuy nhiên, phối hợp liên ngành còn chưa ổn định, đào tạo nhân lực chưa đồng đều trên cả nước. Bên cạnh đó, Cục trưởng nhận định hệ thống nông nghiệp Việt Nam có nhiều đặc thù. Điển hình, nếu thực phẩm ở các nước phát triển sẽ được vận chuyển trực tiếp từ trang trại tới nhà máy chế biến, thì ở nước ta, thương lái là đầu mối quan trọng trong chuỗi thực phẩm do sản xuất còn manh mún. Do đó, ông Tiệp đề xuất cần xác định cụ thể đội ngũ từ Trung ương tới địa phương, đồng thời xây dựng mô hình đào tạo dựa trên thực tiễn nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế có vai trò xây dựng hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm, quản lý việc khai báo sự cố và thực hiện giám sát, phòng ngừa, điều tra về ngộ độc thực phẩm. Cục An toàn thực phẩm cung cấp thông tin, quản lý đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện Đề án 518/QĐ-BYT nhằm xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm ở mọi cấp. Tuy nhiên, việc triển khai bị hạn chế do thiếu kinh phí, chưa đạt mục tiêu toàn diện.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm, ông Lưu Đức Du nhấn mạnh, đánh giá nguy cơ không chỉ là hoạt động lấy mẫu, kiểm nghiệm mà còn là công tác điều tra, xác định mức độ và phạm vi ảnh hưởng đối với sức khỏe cộng đồng. Ông chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, công tác truy xuất nguồn gốc còn gây khó khăn cho việc điều tra. Thí dụ, mua bán không có hóa đơn hoặc qua đường tiểu ngạch còn phổ biến. Ngoài ra, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành, các địa phương với nhau còn hạn chế.”
Cùng tham gia Dự án Safegro, Bộ Công thương đang xây dựng hệ thống văn bản, tạo hành lang pháp lý để xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn. Bộ tích cực đào tạo chuyên môn về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP cho lực lượng quản lý thị trường. Các cơ quan thuộc Bộ hướng dẫn cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Bộ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác lĩnh vực an toàn thực phẩm với Trung Quốc và New Zealand.
Thời gian tới, Bộ Công thương tập trung hoàn thiện văn bản quy phạm pháp lý, giúp quản lý an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, cũng như quản lý siêu thị, cửa hàng và các cơ sở khác theo quy định của pháp luật.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm mùa nắng nóng
Đại diện các cơ quan của 3 Bộ mong muốn tạo ra một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm chặt chẽ và hiệu quả hơn thông qua việc đề xuất sửa đổi và cải thiện các quy trình, nguồn lực và cơ cấu tổ chức. Để xây dựng hệ thống này, các nhà quản lý đề xuất đầu tư cho quy trình đánh giá bài bản, tập trung nghiên cứu chính sách về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần thống nhất cơ sở dữ liệu, xử lý kết quả kiểm tra của các cơ quan và địa phương về an toàn thực phẩm.
Với hơn 30 chuyên gia khoa học, nhà quản lý, Hội thảo cho thấy bức tranh toàn cảnh về công tác đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chia sẻ kinh nghiệm từ Canada và Trung Quốc đã cung cấp một số cách quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm. Các đề xuất và giải pháp sẽ sớm được thực hiện, góp phần vào mục tiêu chung của Dự án Safegro, cải thiện đáng kể chất lượng an toàn thực phẩm tại Việt Nam.