Thường trực nỗi lo an toàn thực phẩm

Ngày 16/9/2023, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 382/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2023, sẽ rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu (từ sản xuất đến tiêu dùng).
0:00 / 0:00
0:00
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: HẢI ANH
Thức ăn đường phố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: HẢI ANH

Khách sạn 5 sao cũng vi phạm an toàn thực phẩm

Đầu tháng 9, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận Đống Đa và Ba Đình tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại ba khách sạn 5 sao, gồm: Pullman (phố Cát Linh, quận Đống Đa); Pan Pacific Hanoi (số 1 đường Thanh Niên, quận Ba Đình) và Novotel Hà Nội Thái Hà (số 1 Thái Hà, quận Đống Đa). Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm tại hai trong ba khách sạn nêu trên.

Tại thời điểm kiểm tra, chế độ vệ sinh khu bếp bánh của khách sạn Novotel Hà Nội Thái Hà không đạt yêu cầu. Cụ thể, các dụng cụ như: Bàn inox, khay, máy làm bánh, giá kệ… đều bám bụi lâu ngày do không được vệ sinh thường xuyên. Ngoài ra, các loại gia vị được san chiết ra những hộp riêng lẻ nhưng không ghi nhãn mác và hạn sử dụng. Đoàn kiểm tra cũng phát hiện có loại gia vị đã hết hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, khách sạn không cung cấp được hồ sơ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của phẩm mầu cho vào sản xuất bánh, trong đó có phẩm mầu đã hết hạn sử dụng…

Tương tự, qua kiểm tra khu bếp của khách sạn Pullman cho thấy, tại khu vực sản xuất, các khay đựng bánh không được vệ sinh thường xuyên. Thực phẩm chín không được bảo quản đúng theo quy định… Mặt khác, khi chế biến thực phẩm, nhân viên cũng không tuân thủ việc đeo khẩu trang…

Kết thúc buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã đề nghị hai khách sạn nêu trên khắc phục ngay những lỗi tồn tại, đồng thời tiêu hủy những sản phẩm đã hết hạn sử dụng và ghi rõ tên cơ sở sản xuất bánh trung thu trên nhãn mác. Đoàn kiểm tra cũng sẽ hậu kiểm việc khắc phục những vi phạm này của hai khách sạn.

Mới đây, từ vụ việc 141 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại quán “Phượng” ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố.

Tại Thông tư số 30/2012/TT-BYT, Bộ Y tế đã quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố có nêu rõ: Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố là phải bảo đảm đủ nước sạch; có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín; không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ.

Ngoài ra, nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, đội mũ khi bán hàng. Trong chế biến thực phẩm, không được sử dụng các chất phụ gia, phẩm mầu; thức ăn phải được bày bán trên giá cao hơn 60 cm, bao gói hợp vệ sinh, có dụng cụ chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố... Thế nhưng, đối chiếu những quy định này thì hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đều chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, từ thực tế 22 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 8/2023 về an toàn thực phẩm trên địa bàn 10 phường của quận Hai Bà Trưng cho thấy, vi phạm chủ yếu là nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định; sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn…

Cũng với các lỗi vi phạm tương tự, 37 cơ sở trên địa bàn quận Đống Đa đã bị xử phạt với tổng số tiền hơn 275 triệu đồng trong tám tháng của năm 2023.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế cho rằng, thực phẩm đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế đã có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Nguyên nhân có thể đến từ tất cả các khâu, như: Lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến; bảo quản, bày bán thực phẩm… Các vi khuẩn gây bệnh được phát hiện nhiều nhất trong thực phẩm đường phố là Salmonella, tụ cầu trùng vàng Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens và E.coli…

Thường trực nỗi lo an toàn thực phẩm ảnh 1

Nhiều đoạn đường tại Thành phố Hồ Chí Minh cứ mưa là ngập, gây khó khăn cho người đi lại.

Rà soát toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm

Tại Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu (từ sản xuất đến tiêu dùng) và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2023. Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá các nghị định, thông tư có liên quan để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, trong đó chú trọng quy định về phân công trách nhiệm quản lý cho rõ ràng, tránh trùng chéo; áp dụng mức chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm…

Thông báo nêu rõ, các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm (trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo); kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Cũng trong thông báo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các lực lượng chức năng thuộc các bộ: Công an, Quốc phòng (Biên phòng, Cảnh sát biển), Công thương (Quản lý thị trường), Tài chính (Hải quan) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng, chống nhập lậu và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn.

Về vấn đề tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế với chức năng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phải có đánh giá kỹ lưỡng về hiệu lực, hiệu quả của phương thức quản lý, chất lượng nhân lực, công cụ, trang bị, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay, làm rõ các vấn đề tích cực, hạn chế, nhất là đối với cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở để đề xuất phương thức quản lý phù hợp yêu cầu quản lý hiện nay.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ và UBND tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Điều chỉnh cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Tham mưu Chính phủ kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương” tại Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 từ Bộ Nội vụ sang Bộ Y tế; Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện nhiệm vụ này.

Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025 đã giải quyết được 5 trong tổng số 18 tuyến đường ngập do mưa. Từ đây đến năm 2025, chương trình sẽ giải quyết tình trạng ngập do mưa cho 13 tuyến đường còn lại.