Cần xác định địa vị pháp lý đặc thù cho các đại học quốc gia

Cần xác định địa vị pháp lý đặc thù cho các đại học quốc gia là nhiều ý kiến nhận định của các chuyên gia trong buổi Tọa đàm Lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng (Dự thảo NĐ TĐKT… do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Giám đốc không được ký… bằng khen

Theo PGS, TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường đại học An Giang, đối với các quy định về cơ cấu thành phần hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp, trích lập và sử dụng quỹ thi đua khen thưởng, tỷ lệ phiếu bầu các danh hiệu thi đua cụ thể vẫn chưa được Dự thảo NĐ TĐKT đề cập; do đó, gây khó khăn cho công tác quản lý, nhất là trong việc giải trình kiểm toán.

Đề cập thẩm quyền khen thưởng của các đại học quốc gia (ĐHQG), ông Thắng nói Dự thảo NĐ TĐKT chỉ cho phép Giám đốc ĐHQG được ký giấy khen mà không phải bằng khen; điều này là không thỏa đáng. Ông còn cho rằng nếu Giám đốc ĐHQG không được ký bằng khen, cần phải có quy định bảo đảm việc xét công nhận giấy khen của Giám đốc các ĐHQG tương đương bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay không ai dám công nhận điều này.

“Không thể nào mà Giám đốc ĐHQG, Ủy viên Trung ương Đảng lại ký giấy khen như… hiệu trưởng trường cấp 1. Làm sao để giấy khen này quy đổi tương đương với bằng khen của Bộ để tính công trình? Như vậy sẽ thiệt hại đến toàn bộ viên chức, người lao động của các ĐHQG khi xem xét bất cứ một cái gì” - PGS, TS Võ Văn Thắng nhấn mạnh.

Thảo luận về tiêu chí xét thi đua khen thưởng của Dự thảo NĐ TĐKT, TS Phạm Quốc Thuần, Chủ tịch Công đoàn Trường đại học Kinh tế-Luật cho rằng, những quy định mới của dự thảo khiến viên chức, người lao động rất băn khoăn.

Trong khi Nghị định 91 năm 2017 quy định khá đa dạng về tiêu chuẩn tặng Huân chương Lao động hạng ba như: “được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 5 năm liên tục đạt thành tích xuất sắc; có phát minh, sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả cao; cá nhân có quá trình cống hiến lâu dài”… thì Dự thảo NĐ TĐKT chỉ còn tập trung một số nội dung như: “cá nhân phải tham gia liên tục trong 2 cuộc kháng chiến hoặc tham gia liên tục trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Và nếu quy chiếu đối tượng là người lao động làm công tác giáo dục chắc chắn không thuộc đối tượng này.

Phải bắt đầu từ Nghị định 186

Phân tích về vị thế pháp lý của các ĐHQG, PGS, TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường đại học Kinh tế - Luật), cho biết, việc băn khoăn địa vị pháp lý của các ĐHQG trong Dự thảo NĐ TĐKT này thực chất liên quan Nghị định 186, bởi Nghị định 186 xác định địa vị pháp lý của các ĐHQG ở Việt Nam (ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh).

Tuy nhiên, nghị định này chỉ nói ĐHQG là “một đơn vị có tư cách pháp nhân” mà không thiết kế vị trí cụ thể. Trong khi các ĐHQG là cơ quan thuộc Chính phủ, hay tương đương một đơn vị cấp bộ thì Nghị định 186 không nói điều này.

PGS, TS Đoàn Thị Phương Diệp nói: Chính việc thiếu địa vị pháp lý rõ ràng từ Nghị định 186 khiến cho Luật Thi đua, khen thưởng khi thiết kế các quy định trao quyền chỉ dừng lại ở chỗ ĐHQG là “một đơn vị có tư cách pháp nhân”. Và một đơn vị có tư cách pháp nhân như vậy chỉ được cấp giấy khen chứ không phải bằng khen.

Chính việc thiếu địa vị pháp lý rõ ràng từ Nghị định 186 khiến cho Luật Thi đua, khen thưởng khi thiết kế các quy định trao quyền chỉ dừng lại ở chỗ ĐHQG là “một đơn vị có tư cách pháp nhân”.

PGS, TS Đoàn Thị Phương Diệp

Trong khi các ĐHQG không thể tương đương một doanh nghiệp hay trường đại học, mà là một hệ thống đại học. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bắt đầu từ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 186. Nếu chúng ta giải quyết vấn đề ở Dự thảo NĐ TĐKT, chúng ta không có cơ sở pháp lý để làm. Xin đề xuất giải pháp tạm thời cho vấn đề này là “bổ sung chức danh Giám đốc ĐHQG vào khoản 2, Điều 23 Dự thảo NĐ TĐKT”.

Đây sẽ là cơ sở pháp lý để quy định về chức danh tương đương trong việc trao quyền xét thi đua, khen thưởng.

Chia sẻ quan điểm này, ThS Lâm Tường Thoại, Chủ tịch Công đoàn ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đang cố gắng tham gia xây dựng nghị định thay thế Nghị định 186 dựa trên bối cảnh Luật Giáo dục mới đã được ban hành.

Ông Thoại lưu ý: “Hiện nay, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh cùng sinh hoạt trong khối thi đua số 1 của cấp nhà nước (không theo cấp thành phố) gồm 14 đơn vị cấp bộ. Khi sinh hoạt trong khối, nhiều đơn vị như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao rất ngạc nhiên về việc thi đua của ĐHQG phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khi cả hai đơn vị này đang cùng sinh hoạt trong một khối để thảo luận về các vấn đề thi đua. Do đó, việc “bổ sung chức danh Giám đốc ĐHQG vào khoản 2, Điều 23 Dự thảo NĐ TĐKT là có cơ sở”.