Thúc đẩy giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vươn lên

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai thường xuyên xảy ra và gây ra hậu quả lớn, làm ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng của vùng nói chung và hạ tầng ngành giáo dục nói riêng. Vì vậy, nhiều chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo của vùng thấp hơn mức trung bình của cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THCS và cấp THPT vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đều thấp hơn so với bình quân cả nước. (Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển)
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp THCS và cấp THPT vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đều thấp hơn so với bình quân cả nước. (Ảnh minh họa: Báo Dân tộc và Phát triển)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 12.322 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Các địa phương trong vùng đã quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện tốt công tác huy động trẻ đến trường, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân.

Nhiều điểm trường lẻ đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm theo quy định, thực hiện dồn dịch, sáp nhập vào các điểm trường chính; nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành các trường có quy mô lớn hơn, tạo thuận lợi cho đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cho các hoạt động dạy và học trong nhà trường.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác xóa mù chữ, các địa phương trong vùng đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, nhất là ưu tiên xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác xóa mù chữ, các địa phương trong vùng đã ban hành các chương trình, kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, nhất là ưu tiên xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

Đến nay, tất cả các đơn vị cấp tỉnh, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 chiếm tỷ lệ 98,54% (cao hơn 0,45% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của vùng là 55,04% (cao hơn 3,12% so với bình quân cả nước); tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là 75,27% (cao hơn 7,16% so với bình quân cả nước).

Đáng chú ý, về đào tạo nhân lực, toàn vùng có 44 cơ sở giáo dục đại học, trong đó, nhiều đơn vị được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Năm 2022, giáo dục đại học vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có ba cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng Webometrics; ba cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học châu Á (QS Asian University Rankings 2022); một cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings.

Đặc biệt, tại bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), Trường đại học Duy Tân được xếp ở vị trí 514 và cũng là thứ hạng cao nhất của một đại học Việt Nam.

Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng so với yêu cầu phát triển, giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn còn những hạn chế và khó khăn, thách thức khi nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước; chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường toàn vùng đạt 62,2% (thấp hơn 3,9% so với bình quân cả nước). Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường mới đạt 98,8%, thấp hơn 0,6% so với bình quân chung và là vùng có tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi thấp nhất cả nước.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học là 95,39% (thấp hơn 0,9% so với bình quân cả nước); hoàn thành chương trình giáo dục cấp THCS là 98,29% (thấp hơn 0,11% so với bình quân cả nước); hoàn thành chương trình giáo dục THPT là 97,56% (thấp hơn 0,84% so với bình quân cả nước). Trong đó, tỉnh Quảng Trị là địa phương có tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình giáo dục THPT thấp nhất cả nước…

Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng so với yêu cầu phát triển, giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn còn những hạn chế và khó khăn, thách thức khi nhiều chỉ số về phát triển còn thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Đáng chú ý, quy hoạch mạng lưới trường lớp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhiều điểm trường lẻ vẫn còn tồn tại và khoảng cách giữa các điểm trường xa, gây khó khăn cho công tác quản lý, bố trí giáo viên, nhân viên và tổ chức các hoạt động chung. Việc đổi mới, sử dụng phương tiện dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở một số nơi vẫn chưa thật sự hiệu quả…

Theo các chuyên gia giáo dục, để giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đáp ứng yều cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng cũng như cả nước, cần rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài, đồng thời phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng; đồng thời có giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo gắn với thực hiện lồng ghép có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học trong giáo dục mầm non theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, chú trọng phương pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp đặc điểm tâm sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách của trẻ.

Đổi mới phương pháp và đa dạng hóa hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận khai thác các nguồn học liệu đa dạng, phong phú để phát triển năng lực tự học và ý thức học tập suốt đời.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cần nhìn nhận rõ những vấn đề đặt ra như: Nâng cao chất lượng, công bằng giáo dục, phân bổ chưa đều về tỷ lệ ngoài công lập, quốc tế hóa trong giáo dục chưa tương xứng...

Vì vậy, đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vừa phải quan tâm phát triển giáo dục mũi nhọn, vừa tính đến công bằng trong giáo dục cho những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng hải đảo.

Bên cạnh phát huy tinh thần hiếu học, các địa phương trong vùng cần điều chỉnh cách thức phát triển nhân tài theo các mô hình mới. Các địa phương trong vùng cần quan tâm bảo đảm cơ sở vật chất và hướng tới hiện đại hóa cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ giáo viên về cả số lượng và chất lượng; phát triển trường nội trú, quan tâm giáo dục dân tộc, bảo đảm chất lượng giáo dục miền núi, vùng khó khăn, hải đảo...

Ngoài ra, cần tập trung quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng. Trong đó, hai đại học vùng là Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng cần phát triển hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của vùng trong thời gian sắp tới.