Cần thay đổi tư duy, phương pháp để thực thi chuyển đổi số hiệu quả

NDO - Nhấn mạnh chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đã đến lúc phải hướng đến cách tiếp cận chuyển đổi số ở khía cạnh thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…, qua đó thực thi chuyển đổi số hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả

Chiều 4/11, phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm tại cuối phiên chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn các đại biểu đã luôn đồng hành và quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực thông tin truyền thông, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, qua phiên chất vấn, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn dài hạn đối với chuyển đổi số quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã trải qua một quá trình dài ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và giờ là thời đại của chuyển đổi số.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số giờ không chỉ là dùng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin mà đã đến lúc khẳng định chuyển đổi số cần phải tiếp cận ở khía cạnh thay đổi toàn bộ tư duy, phương pháp, quy trình, mô hình quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, xã hội, cũng như quá trình phát triển của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và của từng người dân.

Cần thay đổi tư duy, phương pháp để thực thi chuyển đổi số hiệu quả ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó việc xây dựng văn bản pháp luật chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ, chưa phù hợp với đặc tính của công nghệ hiện đại là thay đổi nhanh chóng.

Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tích cực thực hiện công tác xây dựng, bổ sung, chỉnh lý văn bản pháp luật phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Về dịch vụ công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, một trong những điểm sáng gần đây là vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, các cơ quan chức năng đã đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia trên 6.500 thủ tục hành chính, trong đó khoảng 4.200 dịch vụ công đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến, đạt gần 64%, qua đó giảm bớt được hàng nghìn thủ tục hành chính mỗi năm, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và giảm bớt các công đoạn không cần thiết.

Chia sẻ về động lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị xã hội, quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, động lực quan trọng chủ yếu là sự quan tâm của Chính phủ, của người dân, động lực cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tham nhũng vặt, thể hiện Chính phủ hoàn toàn minh bạch và có trách nhiệm giải trình.

Cần thay đổi tư duy, phương pháp để thực thi chuyển đổi số hiệu quả ảnh 2

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Theo Phó Thủ tướng, đây là động lực chủ yếu của các nước trên thế giới, và đặc biệt, nước ta nhấn mạnh động lực cải cách để bảo đảm Chính phủ minh bạch, qua các dữ liệu thu thập được để có mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội, thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu, Phó Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu cần ra “đầu bài” thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.

Tăng cường thông tin chính thống, bảo vệ người dân trên không gian mạng

Về các vấn đề liên quan không gian mạng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải tăng cường nhiều thông tin chính thống, tiếp tục quan tâm và hỗ trợ báo chí chính thống phát triển và đặc biệt quan trọng là các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp và các doanh nghiệp cần phải chủ động để đưa thông tin của mình ra một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, ngoài việc xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ cần khuyến khích các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người dân khi quyền lợi của mình bị xâm phạm bởi các thông tin xấu, độc, cùng với tăng cường phổ biến tri thức, nâng cao hiểu biết của người dân trước những rủi ro.

“Điều này rất cần các cơ quan chuyên môn phải có cảnh báo sớm và chúng ta phải tăng cường hơn nữa, một mặt thì tăng cường làm việc và quản lý đối với các nền tảng xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia, các công ty nước ngoài, nhưng một mặt cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ thực sự thiết thực cho các nền tảng và các ứng dụng ở trong nước phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Cần thay đổi tư duy, phương pháp để thực thi chuyển đổi số hiệu quả ảnh 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề thông tin và truyền thông. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thông tin và truyền thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, lĩnh vực thông tin và truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã có tác động rất lớn tới đời sống người dân và toàn xã hội.

Tại phiên chất vấn, có 33 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 10 đại biểu phát biểu tranh luận; còn 54 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi, đề nghị gửi câu hỏi bằng văn bản theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nắm rõ các vấn đề, thể hiện kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, cũng như giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.

Qua phiên chất vấn lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu.

Trong đó, cần tập trung vào tiếp tục hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi số, sớm ban hành và triển khai hiệu quả Đề án Tăng cường nâng cao năng lực chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương, có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ điện tử…

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện phổ cập kỹ năng số miễn phí cho người dân; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; bồi dưỡng nhân lực làm công tác thông tin ở cơ sở; bổ sung các quy định quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, các hoạt động truyền thông xã hội trên không gian mạng; quản lý nền tảng xuyên biên giới.

Các cơ quan liên quan cần có chính sách phát triển mạng xã hội trong nước, bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh, định danh được người dùng và hướng tới cân bằng tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội ở nước ngoài; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; áp dụng công nghệ xác thực thuê bao; chủ động, tích cực xử lý tình trạng tin nhắn rác, sim rác…