Xử lý triệt để về vấn nạn lừa đảo qua mạng, sim rác

NDO - Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, việc ứng dụng công nghệ cùng hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường thanh tra, kiểm soát sẽ giúp ngăn chặn vấn nạn lừa đảo qua mạng, đồng thời xử lý triệt để sim rác, cuộc gọi rác.
0:00 / 0:00
0:00

Ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo

Tiếp tục chương trình chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, sáng 4/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Trước băn khoăn của các đại biểu về tình hình tội phạm công nghệ cao, như lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam mà ở nhiều nước khác trên thế giới. Các đối tượng sử dụng rất nhiều phương tiện, trong đó có điện thoại và các trang web.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, định nghĩa rõ các hành vi, quy định, quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển lực lượng công an xử lý hình sự các vụ việc.

Xử lý triệt để về vấn nạn lừa đảo qua mạng, sim rác ảnh 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để xử lý một cách căn bản, Bộ đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Bộ cũng phát triển công cụ, công nghệ quản lý không gian mạng, tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo.

Theo đó, năm 2020, Bộ đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn sẽ có 3,1 triệu người truy cập vào những trang này, dẫn đến xác suất lừa đảo có thể rất lớn, Bộ trưởng nêu rõ.

Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà quét, ngăn chặn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo.

Về chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) liên quan vấn nạn hàng giả, hàng nhái chào bán công khai trên các nền tảng và trang mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng là vấn đề khá nhức nhối, có tình trạng trang thông tin điện tử, báo điện tử bán các khoảng trống trên trang để quảng cáo nhưng buông lỏng quản lý, gần như doanh nghiệp “quảng cáo gì cũng được”.

Cơ bản quy định pháp luật Việt Nam là các cơ quan phải bảo đảm thực hiện quảng cáo đúng pháp luật. Tuy nhiên 2 năm gần đây có hình thức quảng cáo mới, do đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã sửa các văn bản, nghị định, cũng như tiến hành thanh tra, kiểm tra để các cơ quan truyền thông, báo chí, trang tin ý thức hơn về vấn đề này.

Bộ trưởng cho biết, việc quảng cáo sai sự thật trên các trang trên cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều quảng cáo trái quy định pháp luật.

Xử lý triệt để về vấn nạn lừa đảo qua mạng, sim rác ảnh 2

Toàn cảnh phiên chất vấn của Quốc hội về lĩnh vực thông tin và truyền thông sáng 4/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đề cập các giải pháp xử lý vấn nạn này, Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chính thức tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo, quảng cáo sai sự thật, nhất là thực phẩm chức năng.

Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong thẩm quyền cùng rà soát không gian, các lĩnh vực có liên quan đến ngành mình quản lý để kiểm tra, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới.

Đã loại 22 triệu sim không đầy đủ thông tin

Đối với sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ cũng đang tập trung xử lý mạnh vì đây là công cụ phục vụ lừa đảo. Tất cả thuê bao không có đầy đủ thông tin hoặc thông tin không chính xác sẽ bị xóa khỏi hệ thống.

Theo Bộ trưởng, năm 2018, cả nước còn 22 triệu thuê bao không có thông tin đầy đủ, và đến năm 2022 đã cương quyết xử lý và đến nay gần như không còn.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã cùng các nhà mạng tiến hành đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để kiểm soát thông tin đăng ký sim có chính xác hay không.

Theo Bộ trưởng, hiện công tác rà soát đã hoàn thành được 1/4 khối lượng công việc, trong đó 90% thông tin là đúng và chỉ 10% chưa chính xác nên cần xác minh lại. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo công tác này phải thực hiện xong trong tháng 11/2022, và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này, bảo đảm dữ liệu chính xác.

Xử lý triệt để về vấn nạn lừa đảo qua mạng, sim rác ảnh 3

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về việc 1 người đăng ký nhiều sim, sim không chính chủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây cũng là vấn đề cần xử lý, nếu hoàn thành công tác này sẽ xử lý được đáng kể tình trạng lừa đảo, cuộc gọi rác.

Trong gần 3 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm rất quyết liệt để loại 22 triệu sim không đầy đủ. Bộ trưởng thông tin, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện 1 người nhiều sim, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng đơn vị, doanh nghiệp viễn thông để tiếp tục có những giải pháp tốt hơn.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) về thực trạng “khủng bố” qua điện thoại liên quan đến đòi nợ thuê, quảng cáo…, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2022, mỗi tháng Bộ nhận được khoảng 30 nghìn phản ánh của người dân, trong đó có 88% liên quan cuộc gọi rác, “khủng bố” điện thoại.

Thời gian qua, các đơn vị đã dùng công nghệ rất tốt nên tin nhắn rác đã không còn nhiều như trước. Hiện mỗi tháng chặn 50 triệu tin rác bằng công nghệ, với mẫu tin nhắn rác hiện đã lên tới 400 nghìn mẫu, làm cơ sở để các nhà mạng sớm nhận biết và ngăn chặn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu thực trạng khi giảm được số tin nhắn rác nhưng vấn đề cuộc gọi rác lại nổi lên gần đây. Theo Bộ trưởng, điện thoại rác cũng là vấn nạn toàn cầu, thí dụ như ở Mỹ và Brazil, mỗi người dân phải nhận cuộc gọi không liên quan hàng tháng cao gấp 3 lần ở Việt Nam.

Hiện mỗi tháng các nhà mạng chặn khoảng 30-40 nghìn số điện thoại có phát tán thông tin rác, chặn 50 triệu tin nhắn rác bằng công nghệ.

Gần đây, Bộ đã chính thức công bố đầu số điện thoại để người dân phản ánh về tình trạng cuộc gọi rác, nhưng về lâu dài, theo Bộ trưởng phải dùng công nghệ. Bộ cũng đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn.

“Mỗi tháng chúng tôi chặn 30-40 nghìn số điện thoại có phát tán những thông tin rác, trong đó có cuộc gọi rác. Những tháng gần đây, cuộc gọi rác được xử lý tốt hơn, cỡ khoảng 30% so với năm ngoái”, Bộ trưởng cho hay.