Cần sớm khôi phục Dược lĩnh cổ viên

Dược lĩnh cổ viên (vườn thuốc Dược Sơn) là một trong bát cổ của vùng đất Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phục hồi Dược lĩnh cổ viên có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết hơn về vai trò của căn cứ Vạn Kiếp trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, về những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất “địa linh nhân kiệt” và làm đẹp cảnh quan quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân dọn cỏ dại dưới đền Nam Tào, nơi được quy hoạch tôn tạo phục hồi Dược lĩnh cổ viên.
Người dân dọn cỏ dại dưới đền Nam Tào, nơi được quy hoạch tôn tạo phục hồi Dược lĩnh cổ viên.

Trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khi đóng quân ở Vạn Kiếp (khu vực Ðền Kiếp Bạc ngày nay), Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn đau đáu nỗi niềm làm sao phải có đủ thuốc để chữa bệnh cho nhân dân, điều trị vết thương cho binh sĩ. Tương truyền, một đêm khi đang ngủ, Hưng Ðạo Vương thấy có một ông già đầu quấn khăn nâu, mặc áo dài đen, xách túi cói vào tìm gặp. Ông già vái ba vái nói “Tôi là Dược linh, biết Ðức ông cần cây thuốc nên đem biếu”. Hưng Ðạo Vương cảm tạ đáp lễ, rồi nhận túi cây thuốc giống. Ngẩng lên, Hưng Ðạo Vương không thấy người mang thuốc mới biết mình ngủ mơ.

Chuyện cây thuốc làm Hưng Ðạo Vương cả đêm trăn trở. Trên đường về Xưởng Thuyền cách Vạn Kiếp vài dặm, ông thấy bên đường có những cây con như cây thuốc Dược Linh mang đến, Hưng Ðạo Vương mang cây thuốc về trồng ở núi Dược Sơn, rồi tự tay hái lá giã làm thuốc đắp lên vết thương cho quân sĩ. Quả nhiên vết thương khỏi hẳn. Dân trong vùng truyền rằng thuốc trồng ở Dược Sơn không có thứ thuốc nào sánh kịp.

Theo Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng ban Quản lý khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, Vườn thuốc Dược Sơn nằm trên núi Dược Sơn, phía nam đền Kiếp Bạc. Trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, với tư tưởng “Người Nam dùng thuốc nam”, Hưng Ðạo Vương đã giao Phạm Ngũ Lão trồng vườn thuốc nam với nhiều cây thuốc quý trên núi Nam Tào để chữa bệnh, trị vết thương cho quân sĩ, vì thế mà có tên là Dược Sơn, tức núi thuốc.

Sử sách từng ghi lại: “Từ thế kỷ 13, Trần Quốc Tuấn và Thái y viện nhà Trần đã coi trọng việc sử dụng các cây thuốc trong nước để chữa bệnh cho nhân dân và vết thương cho quân lính. Tại Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn gây dựng được một khu vực trồng cây thuốc khá rộng (ngọn núi đó đến nay vẫn mang tên là Dược Sơn)”. Ðến triều đại nhà Lê, vườn thuốc được bảo tồn, phát triển và có tên gọi là Dược lĩnh cổ viên.

Theo thống kê của Viện Y học cổ truyền Trung ương thập kỷ 70 (thế kỷ 20), khi đó Dược Sơn còn khoảng 600 loài cây trồng và cây hoang dại là “cây thuốc nam”. Ðến năm 2010, trên núi Dược Sơn và một số ngọn núi lân cận còn khoảng trên 300 vị thuốc. Riêng núi Dược Sơn khi đó có gần 160 loài thuốc, đến nay còn khoảng 100 loài đang tồn tại. Nhiều nhất là các loại cây như: chó đẻ, lạc tiên, bồ giác, hà thủ ô, cỏ chỉ thiên, hoàng chỉ nam, găng trắng, mỏ quạ… có giá trị cao về y học, có thể chữa được nhiều bệnh về tiêu hóa, chấn thương, phong tê thấp, thoái hóa cột sống, thương hàn, xơ gan…

Qua khảo sát của ngành y tế cho thấy, những cây thuốc trên núi Dược Sơn có giá trị cao về y học như tán tía, cam thảo, hoàng chỉ nam..., có thể chữa được bệnh phong tê thấp, xơ gan cổ chướng, viêm họng, sâu răng, thận, thoái hóa cột sống, hậu sản, thương hàn… Nhân dân địa phương cũng như khách thập phương vẫn có tục lệ về xin lá thuốc tại Dược Sơn để chữa bệnh và những truyền thuyết về di tích Dược Sơn vẫn còn đến ngày nay.

Theo người dân địa phương, khu vực núi Dược Sơn rộng hơn 10ha, xưa kia có hơn 200 loài cây thuốc. Nghề làm thuốc ở Kiếp Bạc cũng có nguồn gốc từ đây và được lưu truyền đến ngày nay. Dân trong vùng truyền rằng, thuốc trồng ở Dược Sơn không có thứ thuốc nào sánh kịp. Tuy nhiên “Dược lĩnh cổ viên” cũng đã bị mai một theo thời gian, không còn giữ được vẻ hoang sơ với vẻ đẹp xưa và các loài thuốc quý.

Nhiều khoảnh vườn thuốc xưa đã bị thay thế bằng vườn cây ăn quả, có khu vực nhân dân trồng cây lấy gỗ để làm kinh tế khi được giao đất. Do nhiều năm không được quản lý, khôi phục cho nên khu vực này đã hoang hóa, cây thuốc còn lại sống len lỏi trong vùng cỏ dại.

Ðể bảo tồn vườn thuốc quý, ngày 18/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 920/QÐ-TTg “Phê duyệt quy hoạch tổng thể khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương”, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng. Trong đó vườn thuốc Dược Sơn nằm trong phân vùng bảo vệ đặc biệt, thuộc nhóm dự án tôn tạo, khôi phục với tổng diện tích 20.000m2.

Tỉnh Hải Dương cũng đã xây dựng đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển Dược Sơn thành vườn thuốc mẫu, nhân giống, bào chế phục vụ chữa bệnh, đồng thời là điểm đến ở nơi di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc. Vậy nhưng đã 13 năm kể từ khi có Quyết định số 920, việc khôi phục Dược lĩnh cổ viên vẫn chưa trở thành hiện thực.