Cần quyết liệt xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công (Kỳ 1)

Ngày 22-8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1469). Theo đó, các tỉnh, thành phố xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động các loại lò gạch, lò vôi thủ công và các giải pháp thay thế. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực hiện quyết liệt lộ trình nói trên.

Một lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu tại huyện Lục Nam (Bắc Giang) thuộc diện phải dỡ bỏ nhưng vẫn hoạt động.
Một lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu tại huyện Lục Nam (Bắc Giang) thuộc diện phải dỡ bỏ nhưng vẫn hoạt động.

Bài 1: Chưa thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công

Trong thời gian vừa qua chúng tôi nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), huyện Lục Nam (Bắc Giang), huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) phản ánh tình trạng nhiều lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (gọi chung là lò gạch thủ công) vẫn hoạt động công khai. Hoạt động của lò gạch thủ công đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Hàng trăm lò gạch thủ công vẫn nhả khói

Ðơn của người dân tại thôn Trại Cá, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang gửi về tòa soạn phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Nam tồn tại 15 lò gạch thủ công đang hoạt động với công suất lớn. Phần lớn các lò gạch này xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Nhiều công nhân làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động trong môi trường độc hại, không có hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội. Từ nguồn tin này, chúng tôi có buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam (Bắc Giang) Giáp Văn Ơn.

Ðồng chí Giáp Văn Ơn thừa nhận: Công tác kiểm tra, chỉ đạo dừng hoạt động sản xuất gạch lò gạch thủ công cấp xã còn gặp nhiều khó khăn. Khi đoàn kiểm tra đến thì các lò gạch thủ công đã dừng hoạt động, chỉ sản xuất gạch phơ và tập kết nguyên liệu. Sau khi đoàn kiểm tra ra về thì các lò gạch thủ công hoạt động trở lại. Công tác tuyên truyền, ký cam kết, thống kê số lượng, quy mô, công suất, số lao động của UBND các xã đối với các chủ lò gạch thủ công còn hạn chế. Một số chủ lò gạch thủ công chưa quan tâm phối hợp trong quá trình thực hiện, chưa ký cam kết ngừng sản xuất, nung đốt gạch.

Ðề cập số cơ sở sản xuất đang sử dụng lò vòng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Vũ Văn Tưởng cho biết: Trong 50 cơ sở sản xuất gạch lò thủ công đang hoạt động, có 15 cơ sở chưa có các thủ tục pháp lý về đất đai theo quy định, 31 cơ sở chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Toàn bộ 50 cơ sở đều có hoạt động thu mua đất làm nguyên liệu sản xuất gạch của các tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép khai thác và không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu và chưa kê khai nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định. Về môi trường, 50 cơ sở không lập, phê duyệt Kế hoạch quản lý môi trường, kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. 41 cơ sở thực hiện không đúng và đầy đủ một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống thu gom, thoát nước mưa chảy tràn chung quanh mặt bằng, hệ thống xử lý khí thải. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với bảy cơ sở với tổng số tiền phạt 380 triệu đồng.

Ngay tại TP Hà Nội, hiện vẫn còn nhiều lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội: Ðến giữa năm 2018, trên địa bàn thành phố có 199 lò gạch thủ công. Trong đó, có 130 lò cải tiến có hệ thống xử lý khói thải và 69 lò vòng. Có nhiều địa phương hiện không còn bóng dáng các lò gạch thủ công như: Thường Tín, Thạch Thất, Hoài Ðức, Thanh Trì, Gia Lâm..., nhưng cũng có không ít huyện còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động. Ðến tháng 10-2019, trên địa bàn huyện Quốc Oai vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động. Các lò gạch thủ công tại xã Phú Cát và xã Hòa Thạch không chỉ có gạch phơ tồn đọng mà còn có cả gạch phơ mới được sản xuất. Trên một đoạn đường chưa đầy 1 km, xã Hòa Thạch có tới ba lò gạch thủ công ngày đêm nhả khói, hoạt động hết công suất, bất chấp những chỉ đạo của cơ quan chức năng. Trước đó xã Hòa Thạch có bốn lò gạch thủ công, sau khi có chỉ đạo từ UBND thành phố Hà Nội, xã mới chỉ xóa bỏ được một lò gạch. Còn tại xã Phú Cát, hiện nay vẫn còn hai lò gạch thủ công đang hoạt động.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Văn Tài, người dân xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa bức xúc cho biết: "Nhà tôi ở gần lò gạch thủ công, mấy chục năm qua ngày nào cũng phải hít khói bụi, hơi nóng... Người lớn còn không chịu được, nói gì đến trẻ con". Khảo sát thực tế cho thấy, các lò gạch này đốt luân phiên từ 2 đến 3 ngày/lần, khói lò gạch gây ô nhiễm môi trường sống chung quanh, không khí nóng bức, ngột ngạt. Do khói bụi và sức nóng của các lò gạch, cây cối, hoa màu khu vực lân cận cũng chậm phát triển. Ngày 6-6-2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi các địa phương, cơ quan chức năng và chủ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh, yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất dừng hoạt động và thực hiện tháo dỡ lò nung trước ngày 31-8-2018. Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, đến giữa năm 2018, toàn tỉnh có 243 lò gạch thủ công đang hoạt động, tính đến nay, các địa phương trong tỉnh mới chỉ xóa bỏ được 51 lò gạch, 192 lò gạch thủ công vẫn hoạt động bình thường.

Thiếu kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề

Ðể có cái nhìn toàn cảnh về thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên toàn quốc, chúng tôi có buổi làm việc với Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc. Ðồng chí Phạm Văn Bắc cho biết: Thực hiện Quyết định số 1469, Bộ Xây dựng đã phối hợp các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là địa phương) tổ chức thực hiện lộ trình giảm dần các lò gạch thủ công. Trong giai đoạn vừa qua, đã có hơn hai phần ba tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị của UBND về việc xóa bỏ lò gạch thủ công và tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung; 57 trong số 63 địa phương có xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm lò gạch thủ công.

Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 31-12-2018, phần lớn lò gạch thủ công ở các tỉnh, thành phố đã được xóa bỏ. Tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hậu Giang… Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện đúng kế hoạch (Bắc Giang còn 50 lò; Ðác Lắc còn 220 lò, Bình Ðịnh còn 149 lò...). Phân tích nguyên nhân vì sao một số địa phương chưa xóa bỏ được hoàn toàn lò gạch thủ công đến năm 2020 theo Quyết định số 1469, đồng chí Phạm Văn Bắc cho rằng: Việc đầu tư sản xuất gạch theo công nghệ mới cần vốn lớn, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn về vốn đầu tư; một số nơi không có nguồn kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp xóa bỏ lò gạch thủ công và chuyển đồi nghề cho người lao động; một số địa phương thiếu nguyên liệu sản xuất gạch không nung (xi-măng, đá vôi...) cho nên khó khăn trong chuyển đổi từ gạch nung (thủ công) sang gạch không nung; nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc kiểm tra đôn đốc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công.

Ngày 10-9-2018, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 8616/VPCP-CN nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm thời hạn xóa bỏ lò gạch thủ công theo quy định tại Quyết định số 1469. Ðể giảm bớt số lượng lò gạch thủ công, văn bản nêu rõ: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án cải tạo, chuyển đổi công nghệ tiên tiến đối với gạch đất sét nung bảo đảm (lò tuy-nen sản xuất theo công nghệ tiên tiến; mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao; tăng năng suất lao động; giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu; bảo đảm các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo quy định).

Quyết định số 1469 nêu rõ: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò thủ công như sau: Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục”.

(Quyết định số 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030)

Theo Quyết định số 1469 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng vào năm 2020 tương ứng khoảng 30 tỷ viên gạch đất sét nung quy tiêu chuẩn. Như vậy sẽ tiêu tốn khoảng 42 triệu m3 đất sét tương đương 2.100 ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác 2 m), sử dụng khoảng 5 triệu tấn than (nhiệt trị 5.000 kcal/kg) và thải ra môi trường 15 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.

NGUYỄN ĐÌNH HẬU
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ)