Bà Kiều Thị Huề, trú tại thôn Bích Chu (xã An Tường, nay là xã An Nhân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết: Năm 1996, bố chồng bà là ông Phùng Văn Cam được thừa kế thửa đất 1.015m2 tại thôn Bích Chu (xã An Tường). Cả gia đình bà đã ở ổn định tại thửa đất nêu trên từ đó đến nay.
Năm 2005, do nhu cầu xây tường bao cho Trường tiểu học An Tường 2 nên UBND xã đã đề nghị ông bà nhượng một phần đất đang sử dụng (350m2) và đổi sang một vị trí khác có giá trị tương đương. Thế nhưng, sau khi đã cắt đất cho nhà trường xây tường bao xong thì UBND xã không cấp đổi trả đất cho gia đình bà. Vì thế, suốt nhiều năm, ông Phùng Văn Cam đã liên tục đề nghị với UBND xã và kiến nghị lên UBND huyện yêu cầu UBND xã An Tường thực hiện cam kết trả đất cho ông nhưng không được xem xét giải quyết.
Cho đến cuối năm 2024 vừa qua, huyện Vĩnh Tường lập dự án làm đường giao thông nông thôn, đã thu hồi gần 600m2 trong diện tích đất còn lại của gia đình mà không có quyết định thu hồi, đền bù, cũng như hỗ trợ tái định cư. Lãnh đạo UBND xã và Ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường yêu cầu gia đình bà Huề đập bỏ diện tích còn lại (khoảng 120m2) “cho sạch đẹp đường và trường học”, mặc dù bà Huề không còn nơi ở nào khác.
Việc UBND xã và Ban quản lý dự án tiến hành thu hồi đất trong khi chưa chứng minh được thửa đất của gia đình bà Huề là đất riêng hay đất công; không có phương án tái định cư khi bà Huề không còn nơi ở khác. Được biết, hoàn cảnh gia đình bà Huề rất khó khăn, chồng bỏ, con trai bị mất vì tai nạn giao thông, mong muốn của bà Huề có một ngôi nhà để thờ cúng nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Đơn kêu cứu của ông Trịnh Văn Hiến, ở Đông Thôn 1 (xã Cầu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, gia đình bất ngờ khi thấy thửa đất hơn 1.000m2 được UBND huyện quyết định cấp tái định cư cho 2 hộ dân khác. Ông Hiến cho rằng, đây là thửa đất do bố ông là Trịnh Văn Lương (đã mất) đi xây dựng vùng kinh tế mới La Mát (năm 1984) tạo dựng nên. Khu vực này nguyên bản là vùng trũng, sình lầy ven biển được ông Lương kè đắp, đổ đất “vượt nền” với mục đích làm nhà ở và canh tác hoa màu. Trước dịch Covid-19, gia đình ông sử dụng để trồng hoa màu cho khi dịch bệnh thì không sản xuất nữa.
Sau đó, gia đình ông Hiến định xây tường bao, đổ đất với mục đích canh tác cây lâu năm thì bị ngăn cản và chính quyền xã Cầu Lộc căn cứ trên bản đồ địa chính được lập năm 2001 để cho rằng, diện tích nêu trên là đất công, do UBND xã quản lý. Để chứng minh tính hợp pháp, ông Hiến còn lưu giữ được một tờ khai xin cấp phép vận chuyển vật liệu để làm nhà trên đất kinh tế mới từ năm 1985. Tờ khai này có sự đồng ý của Hợp tác xã, UBND xã và xác nhận của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đồng ý cho gia đình ông Trịnh Văn Lương vận chuyển vật liệu.
Ngoài ra, năm 2000, các bộ phận thuộc UBND xã Cầu Lộc đã tổ chức đo đạc, cắm mốc nhà mẫu giáo và đường xóm đã lập Biên bản cắm mốc và sơ đồ thể hiện rõ phần đất thuộc quản lý của gia đình ông Hiến tách biệt với khu đất dự kiến làm nhà mẫu giáo và đường xóm. Sau khi dự án nhà mẫu giáo bị hủy bỏ, toàn bộ khu đất “bỗng nhiên” trở thành đất công do UBND xã quản lý.
Đáng chú ý, chỉ đến khi thửa đất được quyết định giao cho 2 hộ dân làm đất tái định cư thì gia đình ông Hiến mới được biết và làm đơn khiếu nại. Đến lúc này, UBND huyện Hậu Lộc có văn bản yêu cầu UBND xã giải trình, làm rõ kiến nghị của công dân. Sau khi xem xét những giấy tờ mà gia đình ông Hiến còn giữ, ông Hoàng Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc cho biết, những tài liệu mà gia đình ông Hiến cung cấp không hợp pháp, không đủ căn cứ để chứng minh thửa đất là do ông Trịnh Văn Lương tạo dựng khi xây dựng kinh tế mới (mặc dù những giấy tờ nêu trên có đầy đủ chữ ký, bản vẽ của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan). Điều đáng nói là, thời điểm lập bản đồ địa chính năm 2001, UBND xã không có thông báo công khai đối với việc quy hoạch thửa đất thành đất công, khiến người dân có quyền lợi liên quan.... bất ngờ.
Ông Trịnh Văn Hiến, ở Đông Thôn 1 (xã Cầu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) bên cạnh thửa đất hơn 1000m2 của gia đình bị "biến" thành đất tái định cư. |
Để hợp thức các quyết định đã ban hành, chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các vị nguyên là lãnh đạo Hợp tác xã, UBND xã thời kỳ các thửa đất có sự biến động. Tuy nhiên, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là gia đình các ông Phùng Văn Cam, Trịnh Văn Hiến lại không được mời tham dự.
Làm việc với chúng tôi, ông Lê Văn Đua, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hậu Lộc cho biết: Phòng Tài nguyên và Môi trường căn cứ đề xuất của UBND xã Cầu Lộc và bản đồ địa chính năm 2001 để xây dựng và trình phương án sử dụng đất. Sau khi có kiến nghị của ông Hiến, UBND huyện đã dừng việc giao đất tái định cư và giao UBND xã xem xét, giải quyết. Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc Hoàng Văn Thủy khẳng định: Thửa đất hình thành năm 1984 (là thời điểm xây dựng khu kinh tế mới), và được quy hoạch đất xây dựng nhà mẫu giáo theo bản đồ năm 2001. Tuy nhiên, ông Thủy không thừa nhận biên bản và sơ đồ cắm mốc có xác nhận của chính quyền địa phương thời điểm năm 2000 là văn bản “có giá trị”.
Cũng như vậy, việc của bà Kiều Thị Huề, ông Khuất Văn Lực, Phó Trưởng ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường cho rằng, việc gia đình ông Phùng Văn Cam hiến đất làm trường đã được chính quyền địa phương trả bằng đất khác. Việc này diễn ra từ những năm 1985-1995 và đã được các vị nguyên lãnh đạo xã, Hợp tác xã xác nhận. Tuy nhiên, ông Lực không giải thích được vì sao cơ quan chức năng không căn cứ vào bản đồ địa chính thời điểm năm 1985-1995 để xác định nguồn gốc đất.
Mặt khác, bà Đàm Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã An Nhân cũng cho rằng thời điểm năm 1985-1995, UBND xã An Tường đã đổi trả đất cho gia đình ông Cam nhưng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan để chứng minh vấn đề này. Hơn nữa, nếu thời điểm đó nếu UBND xã đã đổi đất thì vì sao suốt những năm tiếp theo ông Phùng Văn Cam liên tục làm đơn khiếu nại, yêu cầu UBND xã thực hiện cam kết. Thậm chí, ngay cả khi đã có văn bản chỉ đạo của UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu giải quyết dứt điểm và trả lời công dân nhưng UBND xã An Tường cũng chưa thể thực hiện.
Trong cả hai trường hợp nêu trên, sự kết nối thông tin, văn bản qua các thời kỳ lãnh đạo địa phương đều không có, dẫn đến xuất hiện nhiều quyết định mâu thuẫn, thiếu nhất quán, do vậy khi có vướng mắc đều không thể giải quyết thỏa đáng.
Trước mắt, chính quyền huyện Hậu Lộc và Vĩnh Tường cần nghiêm túc chỉ đạo, xem xét và giải quyết dứt điểm vụ việc nhằm bảo đảm tính minh bạch của pháp luật và quyền lợi của người dân. Tuy nhiên, những vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất ở Cầu Lộc và An Tường cho thấy bài toán năng lực quản lý, tham mưu và trách nhiệm của lãnh đạo cấp cơ sở cần được nâng cao hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.