Cơ sở để Buôn Ma Thuột được thí điểm cơ chế đặc thù
Thảo luận tại Tổ 12, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) bày tỏ nhất trí với chủ trương áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Theo phân tích của đại biểu, đây là chủ trương đã có từ trước, theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về “xây dựng văn bản pháp luật cho phép thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù”, góp phần phát triển thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đại biểu nêu rõ, việc áp dụng cơ chế đặc thù này đã có tiền lệ và kinh nghiệm khi một số tỉnh, thành phố khác cũng đã tổ chức thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, thí dụ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay ngay trong các kỳ họp trước của Quốc hội khóa XV cũng đã cho thí điểm ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và mới đây là Cần Thơ và Khánh Hòa.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) phát biểu thảo luận tại Tổ 12. |
Bên cạnh đó, một cơ sở khác mà đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng rất quan trọng để áp dụng cơ chế đặc thù đối với Buôn Ma Thuột, đó là tiềm năng và điểm đặc sắc của địa phương. Theo đại biểu, Buôn Ma Thuột là thành phố đô thị lớn nhất của vùng Tây Nguyên. Đây cũng là trung tâm, kết nối tất cả vùng trọng điểm phát triển như Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Địa phương này cũng là thủ phủ cà phê của Việt Nam với diện tích gieo trồng và thu hoạch cao nhất cả nước.
Về hạ tầng giao thông, thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí đắc địa, đang được triển khai dự án trọng điểm đường cao tốc Buôn Ma Thuột-Khánh Hòa…, giúp việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp của cả vùng Tây Nguyên xuống cảng Vân Phong của Khánh Hòa rất thuận tiện.
Về văn hóa, đây là một trung tâm tập trung tới 47 dân tộc anh em, với hệ thống lễ hội truyền thống đặc sắc, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngoài ra, với 5 nhóm chính sách ưu đãi trình bày trong tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng rất phù hợp với Buôn Ma Thuột, bởi trong đó có những chính sách để phát triển ngành nghề đặc trưng và mạnh nhất, là thế mạnh của thành phố cũng như của cả vùng kinh tế Tây Nguyên, đó là cà-phê.
Theo đại biểu, các chính sách tài chính, thuế, ưu đãi đầu tư đã tạo điều kiện hết sức hấp dẫn với những nhà đầu tư hiện hữu và cả nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai, với các chính sách ưu đãi cụ thể, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế…
Liệu có cơ chế đặc thù đến cấp xã?
Tuy nhiên, đại biểu Trình Lam Sinh cũng bày tỏ băn khoăn khi đây là lần đầu tiên nghiên cứu thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho 1 đơn vị hành chính cấp huyện. “Tôi cũng như các đại biểu khác băn khoăn quy mô áp dụng thí điểm của thành phố Buôn Ma Thuột hơi nhỏ. Như vậy sau này không rõ có thí điểm đến cấp xã hay không”, đại biểu nói.
Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu thảo luận tại Tổ 12. |
Chung quan điểm này, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) nhận định: “Bây giờ chúng ta đã cho cơ chế đặc thù đến cấp huyện rồi, không rõ liệu sau này có thêm cả “xã đặc thù nữa” hay không”.
Đại biểu nêu rõ, trước đây, khi bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, đã có ý kiến thống nhất về áp dụng cơ chế đặc thù dựa trên các thế mạnh, đặc sắc của địa phương hay phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị để phát triển khu vực, địa phương đó.
Đại biểu cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc thù này nên được xem là giao quyền thêm cho địa phương và nên thống nhất với các cơ chế đặc thù giống nhau giữa các địa phương.
Ngoài ra, trong thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc áp dụng ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt về làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột.
Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 12 sáng 26/10. |
Đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này, vì Buôn Ma Thuột cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện. Trong khi đó, với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt thì vấn đề tài chính, tiền bạc không phải mục tiêu hàng đầu mà là môi trường và điều kiện làm việc để phát huy hết khả năng của mình. Do vậy, nhóm này nên được triển khai rộng khắp ở phạm vi cả tỉnh Đắk Lắk sẽ tốt hơn.
“Chúng ta kéo 1 giáo sư về làm trưởng phòng ở thành phố Buôn Ma Thuột chẳng hạn thì sẽ không xứng tầm và không thu hút được họ”, đại biểu Trình Lam Sinh nhận định.
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài cho Buôn Ma Thuột.
“So với một số Nghị quyết về áp dụng cơ chế đặc thù cho các địa phương như vừa qua, Điều 6 dự thảo Nghị quyết về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt cho Buôn Ma Thuột có vẻ “hơi quá”, liệu trong 5 năm thí điểm có thực thi được trong thực tế hay không”, đại biểu Tống Văn Băng cho hay.
Do đó, đại biểu kiến nghị cần cân nhắc lại nội dung này và tính toán để phù hợp với thực tế và khả năng của thành phố trong thu hút nhân tài.