Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Trao cơ chế đặc thù cần gắn với cá thể hóa trách nhiệm

NDO -

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ trọng điểm quốc gia rất cần các cơ chế đặc thù trong giai đoạn hiện nay, song nhất thiết phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: NGUYÊN LINH)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Sáng 6/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc: Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1), và 2 dự án đường vành đai: đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Trung ương và địa phương cùng làm

Phát biểu tại phiên họp tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chuẩn bị hồ sơ 5 dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai trình Quốc hội là nội dung khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất của các cơ quan Quốc hội và Chính phủ khi chuẩn bị Kỳ họp thứ ba.

“Về chủ trương thì không có gì phải bàn vì đều là các dự án cấp bách, động lực, có tính lan tỏa vùng, kết nối các địa phương. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng đã đồng ý về chủ trương. Vấn đề còn lại là cách thức làm thế nào, phương thức đầu tư ra sao, huy động vốn, cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thì giao cho Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu, triển khai”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với luật hiện hành. Thí dụ, Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, còn đường song hành thuộc dự án đường vành đai thì thuộc trách nhiệm địa phương.

Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn thì cần thiết phải cho phép Trung ương và địa phương cùng làm, tùy theo khả năng đóng góp và cam kết của địa phương. Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện vì “tình huống đặc biệt cần giải pháp đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Ngoài ra, theo Luật Giao thông đường bộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải quản lý, tỉnh lộ là của địa phương. Tuy nhiên, để 1 bộ đảm trách 6 dự án quan trọng quốc gia, chưa kể các dự án khác thì không thể làm hết được, nên sẽ giao cho một số địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Riêng 2 dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương tương ứng với đoạn qua địa bàn, còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối. Tuy vậy, Chính phủ cũng phải làm rõ khái niệm và trách nhiệm của đầu mối. Đối với các dự án cao tốc, có đoạn nằm trên cả 2 tỉnh giáp ranh thì quyết định giao Bộ Giao thông vận tải phụ trách.

“Khái niệm “cơ quan đầu mối” thế nào trong luật chưa có, nên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ làm rõ “đầu mối” là như thế nào, trách nhiệm cụ thể của đầu mối này ra sao để bảo đảm thực hiện từng đoạn nhưng vẫn thống nhất về quy chuẩn, vận hành trên toàn tuyến”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Trao cơ chế đặc thù cần gắn với cá thể hóa trách nhiệm -0
Phiên thảo luận tại Tổ 12. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Chủ tịch Quốc hội cũng phân tích thêm, Luật PPP quy định phần đóng góp của tư nhân không dưới 50%, Nhà nước không vượt quá 50% nhưng phần góp vốn của Nhà nước trong dự án đường vành đai 4 theo phương án trình là đến 66%, thời hạn thu hồi vốn vẫn là 21 năm.

“Ngân hàng đi huy động vốn ngắn hạn và trung hạn mà cho vay đến 21 năm là cũng khó khăn rồi. Nếu chia đúng ra Nhà nước và tư nhân phải 50-50 thì chắc không có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra. Cho nên cũng phải xin cơ chế đặc thù”, Chủ tịch Quốc hội nói.

“Nói như vậy để thấy rằng, cần thiết phải cho áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù và chỉ áp dụng cho các dự án cụ thể này, trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cá thể hóa trách nhiệm

Đồng thời với việc trao cơ chế đặc thù, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm của người đứng đầu và cá thể hóa trách nhiệm trong toàn bộ quá trình triển khai, thực hiện.

Trao cơ chế đặc thù cần gắn với cá thể hóa trách nhiệm -0
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại Tổ 12. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Chủ tịch Quốc hội thông tin, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận và sẽ thể hiện trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về trách nhiệm thực hiện. Địa phương phải cam kết trước Chính phủ về việc bố trí vốn, còn Chính phủ phải cam kết với Quốc hội.

“Cam kết này cũng rất chặt chẽ: một là tổng số vốn bố trí là bao nhiêu; hai là phân kỳ đầu tư như thế nào, nếu trong trường hợp phải điều chỉnh vốn đầu tư thì địa phương cũng phải cam kết bỏ thêm phần tương ứng để hoàn thành dự án; ba là cam kết vốn ngân sách của địa phương phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm để tránh hệ lụy xấu có thể xảy ra. “Người nào quyết định thì người đó phải chịu trách nhiệm. Cho chỉ định thầu mà sau này nhà thầu không đủ năng lực, làm không đến nơi đến chốn thì người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội quan tâm đó là việc thực hiện cơ chế đối tác công-tư. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thực hiện chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư, huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên hiện nay các dự án có xu hướng chuyển sang đầu tư công nếu tiếp diễn huy động vốn toàn xã hội rất khó khăn, không thực hiện được mục tiêu khi ban hành Luật PPP.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện các dự án khi cùng một lúc, nhiều dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thì các vấn đề như vật liệu thi công, năng lực thi công của các nhà thầu, bảo đảm vốn… cần được tính toán đến. Trên cơ sở đó, xác định thời hạn hoàn thành các dự án; đồng thời, vấn đề quản trị dự án, tổ chức bảo trì, bảo hành và vận hành sau khi đưa vào khai thác, sử dụng cũng là khâu quan trọng cần được chú ý đến.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quyết tâm của cả Quốc hội và Chính phủ để khi biểu quyết sẽ tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao để tổ chức thực hiện một cách quyết liệt và đến năm 2025, thực hiện được mục tiêu về đường cao tốc, tạo đột phá về kết cấu hạ tầng của cả nước.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV