Cần nghiêm trị trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất

NDO - Ngày 28/10, nêu ý kiến về kết quả giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản, đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất, đồng thời nhấn mạnh cần nghiêm trị các trường hợp này để tránh trục lợi, lũng đoạn thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam). (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam). (Ảnh: DUY LINH)

Đề xuất tăng tiền đặt cọc lũy tiến theo từng vòng đấu

Tranh luận với quan điểm của đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) về việc không thể tăng tiền đặt cọc, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu thực tế phiên đấu giá một mỏ cát ở Quảng Nam, với giá khởi điểm hơn 1 tỷ đồng, nhưng sau 200 vòng đấu giá, giá đã vọt lên 375 tỷ đồng. Giá cát theo quy định là 150 nghìn đồng/m3, nhưng sau đấu giá đã tăng lên 2,3 triệu đồng/m3.

Đại biểu cho rằng, mục tiêu của người tham gia phiên đấu giá nói trên là thắng bằng mọi giá để rồi bỏ cọc, nhằm mục đích độc quyền, lũng đoạn và đẩy giá lên cao.

“Pháp luật quy định chỉ đặt có 20% giá khởi điểm, tức là chúng tôi đặt giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng thì cọc có 200 triệu đồng, và nếu như bỏ 200 triệu đồng mà đạt được mục đích, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ cọc để đạt ý đồ độc quyền, lũng đoạn và đưa giá lên cao, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”, đại biểu phân tích.

Giá cát bị đẩy lên rất cao, và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả công trình đầu tư công tại Quảng Nam. Nhiều công trình ở các nơi khác và người dân gặp rất nhiều khó khăn khi mua các vật liệu xây dựng thông thường này.

Tiếp nối dẫn chứng nêu trên, đại biểu Dương Văn Phước cũng nêu thực tế tại Hà Nội, nhiều phiên đấu giá đất “thâu đêm suốt sáng”, cụ thể như phiên ở quận Hà Đông ghi nhận mức đấu giá lên tới 262 triệu đồng/m2. Đại biểu cho rằng, ở đây có dấu hiệu bất thường, dẫn đến nguy cơ trả giá cao rồi bỏ cọc.

Cần nghiêm trị trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất ảnh 2

Các đại biểu dự phiên họp sáng 28/10. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu đoàn Quảng Nam dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi kiểm tra đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, thấy rằng có 56/58 lô đất trúng giá cao. Người trúng thầu đấu giá xong có dấu hiệu bỏ cọc. “Đấu giá mà không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn, thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi, và chúng ta cần phải nghiêm trị”, đại biểu Phước nêu.

Để tránh “thầu tặc”, đại biểu đề xuất tăng giá đặt cọc và tăng tiền đặt cọc lũy tiến theo từng vòng đấu để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi có ý định bỏ cọc. Cùng với đó, cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp bỏ cọc tiếp tục đấu giá trên các lĩnh vực. “Chẳng hạn như đấu giá vật liệu xây dựng thì chúng ta không cho họ đấu nữa, có như vậy chúng ta mới hạn chế được các trường hợp này”.

Xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc bằng tài sản tương đương giá trị đấu

Trước đó, nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng không nên tăng tiền đặt cọc, vì nếu tăng tiền cọc thì sẽ hạn chế số người tham gia đấu giá, làm mất đi tính cạnh tranh. Thay vào đó, cần bổ sung thêm điều kiện về những người tham gia đấu giá.

Đại biểu phân tích, hiện nay phí đặt cọc đang quy định là từ 5 đến 20%, chẳng hạn với một bất động sản giá 10 tỷ đồng ban đầu, tiền đặt cọc sẽ là 2 tỷ đồng và không phải ai tham gia đấu giá đều được mua bất động sản đấy ngay mà có thể 10 người tham gia chỉ được 1 người mua.

Như vậy, nhiều người thấy rằng phải bỏ vào một lượng tiền đặt cọc khá lớn mà chưa chắc mình đã được mua, cho nên chi phí để dồn tiền đặt cọc vào đấy tự nhiên tạo ra cản trở tâm lý, cản trở về chuyện tính toán kinh tế, do vậy rất ít người sẽ tham gia đăng ký mua.

Cần nghiêm trị trường hợp bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất ảnh 3

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). (Ảnh: DUY LINH)

Trên cơ sở đó, đại biểu Cường cho rằng không nên tăng tiền đặt cọc, nhưng cần quy định thêm điều kiện mà người tham gia đấu giá phải đáp ứng.

Cụ thể, người tham gia đấu giá phải chứng minh có đủ năng lực tài chính để mua tài sản đấu giá, thông qua các tài sản bất động sản hay tiền gửi ngân hàng. Nếu trúng đấu giá mà bỏ cọc, người này sẽ bị xử lý bằng tài sản đã có tương đương với giá trị đấu. “Lúc đấy anh trả giá cao lên bao nhiêu cũng được, nhưng anh bỏ giá đi thì tài khoản ngân hàng, sổ đỏ của anh sẽ bị đưa ra tòa và phong tỏa để xử lý”, đại biểu làm rõ thêm.

Bằng việc áp dụng quy định này, những người không có tiền nhưng tham gia đấu giá chỉ để mục tiêu mua xong rồi bán lại thì sẽ không có đủ điều kiện để minh chứng, không tham gia được, và những người nào thực sự mong muốn mua bất động sản này để dùng thì người ta sẽ chứng minh được ngay.

Đại biểu đoàn Hà Nội khẳng định, biện pháp nêu trên sẽ giúp lọc được những người đấu giá đúng là những người thực chất đang muốn mua và đặc biệt là những người trả giá cao rồi bỏ cọc thì chắc chắn sẽ bị xử lý tài sản với một giá trị rất lớn, từ đó sẽ ngăn chặn được việc bỏ cọc như thời gian vừa qua.

“Việc chứng minh năng lực tài chính được thực hiện khi nộp hồ sơ, không phải khi vào cuộc chúng ta mới minh chứng hay bổ sung. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện, có đủ thời gian để người tham gia chuẩn bị cũng như cơ quan quản lý đấu giá kiểm soát”, đại biểu nói thêm.

Đại biểu Cường cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của đại biểu Dương Văn Phước về việc xử lý nghiêm khắc những trường hợp trả giá cao rồi bỏ cọc.