Cần nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số

Một thực tế là, hiện nay không ít học viên học tiếng tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ để lấy chứng chỉ. Điều này không có gì sai nhưng đáng nói là họ ít đến lớp và thái độ học tập thiếu nghiêm túc, tích cực.
0:00 / 0:00
0:00

Một thầy giáo dạy tiếng Cơ Ho cho biết, các lớp học ở một trung tâm hướng nghiệp do ông dạy, khá nhiều buổi học chỉ có 30% số học viên có mặt. Sở giáo dục và đào tạo, sở nội vụ các tỉnh đã có nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý đối với nhiệm vụ này, đặc biệt là ở khâu kiểm tra đánh giá nhưng học viên ít đi học, học tập không nghiêm túc vẫn được dự thi, vẫn lọt qua vòng kiểm tra đánh giá và cuối cùng vẫn lấy được chứng chỉ. Từ đó đặt ra vấn đề: Các trung tâm dạy và học tiếng dân tộc thiểu số cần làm gì để giải quyết mâu thuẫn giữa nguồn thu và chất lượng dạy-học? Bởi không thể để một nhiệm vụ vừa mang tính chính trị vừa mang tính nhân văn bị lệch sang hướng "làm ăn" và lợi dụng chính sách để chỉ lấy chứng chỉ phục vụ cán bộ công chức nâng ngạch, chuyển ngạch.

Cùng với các trung tâm hướng nghiệp, trong các cơ sở giáo dục ở Tây Nguyên, việc tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số cũng có nhiều thuận lợi và không ít khó khăn.

Về thuận lợi: Lãnh đạo các tỉnh đã quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số qua việc triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức đang công tác trong vùng dân tộc. Tây Nguyên đang có đội ngũ trí thức am hiểu về ngôn ngữ và văn hóa tộc người, có thể tham gia xây dựng chương trình, tài liệu, viết sách giáo khoa học tiếng dân tộc thiểu số.

Đội ngũ khá đông giáo viên tiếng Anh là người dân tộc thiểu số có thể đào tạo để cấp văn bằng 2 hoặc bồi dưỡng cấp chứng chỉ giáo viên dạy tiếng dân tộc. Nguyện vọng và nhu cầu cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số được học tiếng dân tộc mình nhằm xóa mù chữ tiếng mẹ đẻ là rất bức thiết; cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục phục vụ dạy tiếng dân tộc cho học sinh cũng rất thuận lợi.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình đào tạo giáo viên, chương trình dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh cũng như nhiều thông tư để tổ chức và triển khai nhiệm vụ đang bàn.

Về khó khăn: Hầu hết các tỉnh Tây Nguyên chưa có đội ngũ giáo viên được đào tạo theo chuyên ngành sư phạm dạy tiếng dân tộc thiểu số.

Hệ thống trường đạị học, cao đẳng trên địa bàn chưa mở mã ngành đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; chương trình, tài liệu đào tạo giáo viên và sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số tuy đã có nền tảng và có sự định hướng của Bộ nhưng cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đào tạo và dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh.

Hiện nay hai công việc trên đều phải làm nhưng đang khá mơ hồ.