Cần đổi mới phương thức tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá

Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhiều nhóm đối tượng với nhiều hình thức khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá dành cho thiếu nhi năm 2023
Lễ trao giải Cuộc thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá dành cho thiếu nhi năm 2023

Theo báo cáo của Bộ Y tế, công tác truyền thông được thực hiện qua nhiều kênh truyền khác nhau, từ qua các phương tiện thông tin báo chí đến qua các mạng xã hội cũng như hệ thống loa phát thanh xã, phường; pa-nô, áp phích, sách hướng dẫn… Nhiều cuộc thi về vẽ tranh, tìm hiểu, sáng tác về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được tổ chức.

Hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá được triển khai đến các nhóm đối tượng: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên cũng như người dân ở các vùng sâu, vùng xa dân tộc thiểu số…

Các nội dung truyền thông tiếp tục tập trung vào các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về các địa điểm cấm hút thuốc, vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện môi trường không khói thuốc; tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu…

Trong giai đoạn 2020-2023 nhiều hoạt động truyền thông về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng).

Một số nghiên cứu khảo sát cho thấy, đã có 59,4% số dân biết về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các quy định của Luật; 74,2% số người được hỏi tiếp cận thông tin tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá...

Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền cũng gặp nhiều khó khăn. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, chưa liên tục, tập trung chủ yếu vào Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5 hàng năm).

Cần đổi mới phương thức tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá ảnh 1

Lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá kết hợp tuyên truyền xây dựng môi trường không khói thuốc tại một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Một số bộ, ban, ngành địa phương thiếu nguồn lực và điều kiện thực hiện, chưa có các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc thù cho một số đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc lá.

Thời gian đầu mới ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc tuyên truyền, phổ biến chưa được kịp thời và còn phải lồng ghép với việc phổ biến các luật, văn bản khác nên nội dung truyền thông về Luật liên quan thuốc lá chưa được chuyên sâu.

Tại một số địa phương, việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành đoàn thể tại địa phương. Ngoài ra cũng mới chỉ tập trung ở thành phố, thị trấn, các cơ quan ban ngành và trung tâm xã, các thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá bằng nhiều cách thực hiện khác nhau. Đồng thời đổi mới công tác truyền thông để thu hút sự quan tâm và chú ý của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ.