“Cú huých” trong phòng, chống tác hại của thuốc lá

NDO - Việc thành lập Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam đã giúp tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống tác thuốc lá theo một định hướng chung và có kế hoạch ưu tiên cho từng giai đoạn; bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá một cách đồng bộ và hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại một số nhà hàng, khách sạn địa bàn thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang.
Các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTH của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại một số nhà hàng, khách sạn địa bàn thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang.

Với tính cấp thiết của công tác phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật PCTH của thuốc lá ngày 18/6/2012; đồng thời cho phép thành lập Quỹ PCTH của thuốc lá với mục tiêu nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Luật để từng bước giảm nhu cầu sử dụng nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Việc cho phép thành lập Quỹ PCTH của thuốc lá cũng là cam kết chính trị của Nhà nước ta về thiết lập nguồn kinh phí để tổ chức hiệu quả các hoạt động PCTH của thuốc lá khi tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá, lấy sức khoẻ của người dân làm trung tâm phát triển của đất nước.

Trong 10 năm, Quỹ đã hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ đồng cho hơn 100 đơn vị trên toàn quốc triển khai hoạt động PCTH của thuốc lá. Nhờ đó, đến nay, công tác PCTH thuốc lá đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022 – 2023 cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%; tỷ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 87,7%.

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông cộng cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở việc hút thuốc hầu như không còn. Nhiều sự kiện trong cộng đồng như đám cưới, đám tang... tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành (trên 15 tuổi) đã giảm từ 47,4% (năm 2010) xuống 42,3% (năm 2020) và 38,9% (năm 2022). Trong nhóm thanh thiếu niên (từ 13 đến 15 tuổi) giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022).

“Cú huých” trong phòng, chống tác hại của thuốc lá ảnh 1

Những tác hại của với khói thuốc thụ động thường xuyên được tuyên truyền đến người dân

Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm. So với năm 2010, thì đến năm 2022, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 32,9% (từ 55,9% xuống 23%); tại cơ sở y tế giảm 2,3% (từ 23,6% xuống 21,3%); tại trường trung cấp, cao đẳng và đại học giảm 23,6% (từ 54,3% xuống 30,7%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15,4% (từ 34,4% xuống 19%); tại nhà hàng, quán ăn giảm 16,3% (từ 84,9% xuống 68,6%); tại gia đình giảm 27,5% (từ 73,1% xuống 45,6%)...

Thông qua các hoạt động do Quỹ hỗ trợ như xây dựng, phổ biến tài liệu hướng dẫn chi tiết về việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại các địa điểm công cộng; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức, tập huấn, cung cấp các sản phẩm truyền thông, đã tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của các lãnh đạo các đơn vị đến các cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người dân đối với việc tuân thủ các quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm công cộng, qua đó đảm bảo tạo môi trường không khói thuốc lá và giảm thiểu các nguy cơ sức khoẻ cho người dân.

Mạng lưới về PCTH thuốc lá với sự hỗ trợ của Quỹ ngày càng lớn mạnh và duy trì trên toàn quốc với trên 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội; 63 tỉnh, thành phố. Hàng năm, hầu hết các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đều xây dựng và triển khai kế hoạch PCTH của thuốc lá, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện.

Thông qua sự điều phối của Quỹ PCTH của thuốc lá, mạng lưới các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các trường đại học tham gia hoạt động PCTH thuốc lá ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả.

Những thành tựu trong công tác PCTHTL của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Năm 2018, Việt Nam là một trong các quốc gia, được trao giải thưởng toàn cầu vì những nỗ lực trong thực hiện công tác PCTH của thuốc lá. Quỹ PCTH của thuốc lá của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức Liên hiệp quốc đánh giá cao, đồng thời cũng là mô hình mà các nước đang phát triển hướng tới để có được nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỷ lệ hút thuốc.