Cân đối cung-cầu trong xuất khẩu gạo

NDO - Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng trước cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu sau khi Ấn Độ và một số quốc gia tạm dừng xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bảo đảm an ninh lương thực, tiêu thụ nội địa và cân đối cung cầu của thị trường nên cần giải phải đồng bộ, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00

Đó là nhận định của Bộ Công thương tại Hội nghị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023 tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 4/8.

Xuất khẩu gạo tăng cả về lượng và chất

Theo Bộ Công thương, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, tại thị trường truyền thống châu Á đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so cùng kỳ năm 2022.

Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so cùng kỳ năm 2022. Theo đó, Philippines, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so cùng kỳ năm 2022.

Đứng thứ hai là Trung Quốc chiếm hơn 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn) tăng 60,7% so cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ ba, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn) tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so cùng kỳ năm 2022).

Cân đối cung-cầu trong xuất khẩu gạo ảnh 1

Hội nghị xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023.

Giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước. Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Giá lúa gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày, trung bình mỗi ngày tăng từ 50-100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400-500 đồng/kg so với thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm có hiệu lực), thậm chí tăng từ 2.000 đồng/kg nhưng doanh nghiệp khó mua vì lúa còn trong dân không nhiều.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu tháng 8/2023, dự kiến trong năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, sản lượng đạt từ 43,2-43,4 triệu tấn, tăng 1,8-2% so với năm 2022. Hiện, các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ thu-đông năm 2023; thu hoạch vụ hè-thu năm 2023. Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch 7 tháng năm 2023 đạt hơn 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẳng định, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước cho 100 triệu người dân, chế biến, làm giống và thức ăn chăn nuôi thì hoàn toàn bảo đảm được việc xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Nhiều khó khăn, thách thức

Thực tế cũng cho thấy, xuất khẩu gạo hiện có nhiều khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp và ngành hàng lúa gạo trong cân đối cung-cầu theo diễn biến của thị trường.

Giám đốc Công ty cổ phần xuất, nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) Bùi Thị Bích Huyền chia sẻ, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới tăng mạnh, giá bán cao nhưng doanh nghiệp khó đáp ứng nhu cầu vì giá lúa gạo trong nước luôn biến động, tăng liên tục. Chỉ trong một tháng qua, giá lúa gạo đã tăng hơn 2.000 đồng/kg; giá xuất khẩu gạo đến đầu tháng 8/2023 tăng lên hơn 600 USD/tấn nhưng doanh nghiệp gặp khó trong thu mua lúa đáp ứng đơn hàng vì lượng lúa gạo trong nước cung không đủ cầu.

Vì vậy, dù cơ hội xuất khẩu rộng mở nhưng doanh nghiệp thận trọng khi ký kết hợp đồng xuất khẩu mới. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đây giá cao nhưng vẫn lỗ do giá gạo trong nước tăng liên tục.

Cân đối cung-cầu trong xuất khẩu gạo ảnh 2

Doanh nghiệp thành Cần Thơ chuẩn bị nguồn lúa gạo cho xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết, trong bối cảnh cung-cầu thị trường mất cân đối, doanh nghiệp đạt mục tiêu xuất khẩu gạo được giá nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực trong nước, cung-cầu nội địa để giá gạo tiêu dùng không tăng cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê các hợp đồng đã ký kết so với sản lượng gạo còn lại để cân đối cung cầu, tránh tình trạng giá gạo nội địa tăng cao, ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Thực tế, giá một số loại gạo xuất khẩu thấp hơn giá tiêu thụ trong nước. Ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo theo niên vụ cả năm…

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thị trường xuất khẩu gạo mở ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Việc điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường nhiều biến động cần phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bình ổn thị trường gạo tiêu thụ nội địa.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần liên kết với nhau và liên kết với các hợp tác xã trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu để chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu. Việc liên kết, chia sẻ thông tin là cần thiết trong bối cảnh hiện nay để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán đẩy giá gạo tăng cao khó kiểm soát.

Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và theo dõi diễn biến của thời tiết để bảo đảm các vụ lúa thắng lợi gắn với kế hoạch xuất khẩu gạo phù hợp với tình hình thực tế.