Cần đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả hạ tầng nghề cá

Được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2021, tuy nhiên do luồng vào bị bồi lắng nghiêm trọng nên Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ (Hà Tĩnh) không thể phát huy được công ích của mình. Do đó, các tàu cá công suất hơn 90CV chỉ vào, ra được lúc triều cường, gây khó khăn, nguy hiểm cho ngư dân khi có mưa bão.

0:00 / 0:00
0:00
Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ được đầu tư hơn 170 tỷ đồng chưa phát huy được hiệu quả sử dụng do luồng lạch bị bồi lắng.
Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ được đầu tư hơn 170 tỷ đồng chưa phát huy được hiệu quả sử dụng do luồng lạch bị bồi lắng.

Việc bố trí nguồn lực đầu tư, xây dựng hệ thống đê chắn cát và tiến hành nạo vét luồng lạch đang là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và niềm mong ngóng của hàng nghìn ngư dân vùng Thanh Nghệ Tĩnh.

Bão vào, tàu thuyền về đâu?

Gắn bó với nghề đi biển hàng chục năm trời, nhưng mỗi khi mùa mưa bão đến, ngư dân Nguyễn Lưu Truyền, Tổ trưởng Tổ đồng quản lý nghề cá số 1 ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn cứ canh cánh nỗi lo tìm nơi an toàn cho tàu cá tránh trú bão.

"Mấy năm trước, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Hội-Xuân Phổ được đầu tư, đưa vào sử dụng, bà con ngư dân mừng lắm, bởi khi đã có khu neo đậu mới, nỗi lo bất an mỗi khi mùa mưa bão đến sẽ được gạt bỏ. Thế nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, luồng lạch dẫn vào khu neo đậu bị bồi lắng, các tàu có công suất hơn 90CV phải chờ đợi, lựa con nước lớn mới ra, vào được khu neo đậu”, ngư dân Nguyễn Lưu Truyền cho biết.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Lưu Truyền và các ngư dân ở huyện Nghi Xuân, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên phức tạp và khó lường, việc chờ đợi con nước để vào nơi trú ẩn chẳng khác gì việc chờ đợi và thách thức với sóng to, gió lớn.

Lựa chọn đưa tàu chạy ngược sông Lam tránh bão chưa hẳn đã an toàn, song khi luồng lạch khu neo đậu bị bồi lắng, tàu thuyền không thể ra, vào thì đây vẫn là biện pháp khả thi nhất với chúng tôi.

Ông Trần Quốc Dũng, ngư dân xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

Thành ra, khi nghe tin thông báo có bão đổ bộ vào đất liền, đa phần các tàu cá công suất lớn, không thể vào khu neo đậu phải chạy ngược lên phía thượng nguồn sông Lam để tránh trú bão.

"Lựa chọn này chưa hẳn đã an toàn, song khi luồng lạch khu neo đậu bị bồi lắng, tàu thuyền không thể ra, vào thì đây vẫn là biện pháp khả thi nhất đối với chúng tôi khi đối mặt với thiên tai”, ông Trần Quốc Dũng một ngư dân ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) cho biết thêm.

Được biết khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ được xác định là điểm tránh trú bão an toàn cho các ngư dân hoạt động ở khu vực Bắc Trung bộ.

Đem những lo lắng của ngư dân trao đổi với các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương ở huyện Nghi Xuân và tỉnh Hà Tĩnh được biết, mặc dù địa phương đã tiến hành khảo sát hiện trạng và lập kế hoạch để khắc phục tình trạng bồi lắng luồng lạch, phát huy tối đa hiệu quả của khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ, song do gặp khó khăn khăn về nguồn lực nên việc nạo vét luồng lạch và vùng nước theo định kỳ, nhất là thực thi phương án ngăn ngừa hiện tượng bồi lắng lâu dài vẫn chưa thể triển khai.

Cần phát huy hiệu quả đầu tư

Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ được xây dựng, hoàn thành vào cuối năm 2021 với tổng vốn đầu tư hơn 170 tỷ đồng (2 giai đoạn). Theo thiết kế khu neo đậu có khả năng tiếp nhận 500 tàu thuyền có công suất từ 90-600CV vào tránh trú bão. Trong điều kiện cụ thể, khu neo đậu có thể tiếp nhận, chứa 1.200 tàu cá vào tránh trú bão.

Cần đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả hạ tầng nghề cá ảnh 1

Theo công suất thiết kế, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ có khả năng tiếp nhận 500 tàu thuyền có công suất lớn vào tránh, trú bão.

Thông tin từ Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, luồng chạy tàu vào khu neo đậu được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2019. Tuy nhiên, do không được duy tu, bão dưỡng, nạo vét luồng định kỳ nên từ đó đến nay luồng chạy tàu vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn việc ra, vào và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Cá biệt, các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên muốn ra, vào khu neo đậu tránh trú bão phải chờ đỉnh triều lên mới vào được.

Qua tìm hiểu được biết, để khắc phục tình trạng bồi lắng luồng lạch ra, năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án nạo vét và chỉnh trị tuyến luồng, cửa vào khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ.

Tuy nhiên, theo tính toán của các cơ quan chức năng, nguồn ngân sách hạn hẹp, nên phương pháp nạo vét được đưa ra sẽ không giải quyết triệt để được hiện tượng bồi lắng hằng năm và sau 3 năm thì tuyến luồng sẽ bị bồi lấp hoàn toàn.

Sau khi tham vấn kết quả nghiên cứu và phương án đề xuất của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ hỗ trợ, bố trí nguồn lực triển khai phương án xây dựng các tuyến đê chắn cát, đồng thời với việc nạo vét luồng nhằm tạo tính đồng bộ, liên hoàn trong quá trình sử dụng và phát huy tối đa công năng của công trình khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ.

Cần đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả hạ tầng nghề cá ảnh 2

Ngoài khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ, hệ thống cảng cá ở Hà Tĩnh cũng đang bị bồi lắng, cạn luồng trầm trọng.

Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, công trình cảng cá Xuân Hội và Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ qua thời gian khai thác đưa vào sử dụng đã bị bồi lắng nhiều, không đáp ứng được yêu cầu về chống khai thác IUU trong kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, sản lượng thủy sản qua cảng. Do vậy, tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án nạo vét luồng lạch khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội-Xuân Phổ nhằm bảo đảm tính đồng bộ và hoàn thiện quy mô theo quy hoạch được phê duyệt.

Được biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho gia hạn thời gian thực hiện các dự án “xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá” sử dụng khoản tiền bồi thường của Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đến 31/12/2024. Do đó, người dân tỉnh Hà Tĩnh mong muốn được Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực hỗ trợ địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.