Giải quyết những bất cập trong phát triển hạ tầng nghề cá tại khu vực Nam Trung Bộ

Bài 2: Thống nhất quản lý, rà soát quy hoạch cảng cá

Cảng cá chưa được quản lý thống nhất, việc tổ chức thực hiện những quy định của Luật Thủy sản năm 2017 gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều cảng cá bị quá tải. Nhưng cũng có cảng cá đầu tư nhiều tiền nhưng không phát huy được tác dụng.

Nạo vét vùng nước neo đậu tàu trước bến 400 CV cảng cá Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Nạo vét vùng nước neo đậu tàu trước bến 400 CV cảng cá Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

 Do đó, cần rà soát thật kỹ việc thực hiện quy hoạch đến năm 2020 để đánh giá, rút kinh nghiệm, chuẩn bị thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

Thống nhất quản lý

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, từ trước đến nay, hoạt động quản lý, khai thác cảng cá được thực hiện theo quy chế của tỉnh, xây dựng từ năm 2003. Sau nhiều năm áp dụng, quy chế này dần bộc lộ một số hạn chế, nhất là khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực. Nhiều vấn đề vướng mắc nảy sinh trong việc thực hiện xác nhận thủy sản khai thác từ các vùng khai thác; thu nộp nhật ký, báo cáo khai thác; cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng;

xác nhận nguồn gốc thủy sản; công tác kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng cá; thuyền trưởng phải thông báo cho cảng cá trước lúc cập cảng hoặc rời cảng 1 giờ… Do đó, cần có sự phân cấp quản lý cũng như những quy định rõ ràng, chặt chẽ để công tác quản lý cảng cá đi vào quy củ.

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, tất cả tàu cá đều phải được lực lượng chức năng kiểm soát, xác nhận việc cập cảng, rời cảng ở mỗi chuyến biển. Tình trạng chưa kiểm soát tốt việc tàu cá cập cảng, rời cảng là bất cập lớn trong triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ "thẻ vàng" thủy sản cũng như thực hiện Luật Thủy sản năm 2017. Do đó, công tác quản lý các bến cá hoạt động nhỏ lẻ, manh mún cũng là vấn đề đặt ra. Bởi tàu cá cập vào các khu vực bãi ngang, bán hải sản là sai quy định của Luật Thủy sản năm 2017, vì đó là khu vực không được chỉ định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Một trong những giải pháp quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão được quan tâm hiện nay là sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định về cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, tên gọi, chức năng, mô hình quản lý cảng cá đang có sự thiếu thống nhất. Ở nhiều địa phương, trên cùng một địa bàn nhưng có cảng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) quản lý, có cảng do huyện cũng có cảng do doanh nghiệp quản lý. Các cảng cá chưa phối hợp tổ chức được các hoạt động vệ sinh môi trường; chưa tổ chức được hệ thống quản lý thống kê nguồn lợi thủy sản, thống kê tàu thuyền, chưa quản lý được chất lượng sau khai thác. Hệ thống thu mua thủy sản tại các cảng cá cũng chưa được tổ chức tốt theo hướng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thực tế hiện nay cho thấy, mô hình quản lý không thống nhất như vậy đã gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý cảng cá. Nhất là khi thủy sản Việt Nam bị EU rút "thẻ vàng" cảnh cáo về khai thác IUU, những hạn chế về quản lý cảng cá do sự thiếu thống nhất có thể thấy rõ hơn bao giờ hết. Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, các cảng cá phải được quản lý thống nhất theo một mô hình từ trung ương tới địa phương. Theo Luật Thủy sản năm 2017, cảng cá có vai trò quan trọng trong việc chống hoạt động khai thác bất hợp pháp. Việc thiếu thống nhất trong quản lý các cảng cá đang ảnh hưởng không nhỏ tới công tác chống khai thác IUU nói riêng, việc quản lý, phát huy hiệu quả của hệ thống cảng cá theo Luật Thủy sản năm 2017 nói chung.

Rà soát quy hoạch

Cảng cá Tiên Châu, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An (Phú Yên) được đưa vào sử dụng từ năm 2006, với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng. Theo thiết kế, đây là cảng cá hiện đại, tiếp nhận mỗi ngày khoảng 300 lượt tàu có công suất đến 500 CV cập cảng. Thế nhưng, trong khu vực hai xã An Ninh Ðông và An Ninh Tây hiện chỉ có 75 chiếc tàu công suất lớn, trong đó chỉ có 45 tàu câu cá ngừ mỗi tháng đi đánh bắt xa bờ về cập bến một lần. Còn chức năng tránh trú bão cho tàu thuyền tại cảng vào mùa mưa bão gần như không có, vì vị trí cảng nằm ở vùng hạ lưu sông Ngân Sơn, mùa mưa lưu lượng nước lớn, chảy mạnh nên tàu thuyền không thể neo đậu an toàn. Anh Hoàng Trọng Nhiệm, thuyền trưởng tàu cá PY 90343TS ở xã An Ninh Tây cho biết, cảng cá Tiên Châu thuộc loại lớn trong khu vực, nhưng đến mùa mưa bão vẫn không an toàn, bà con phải đưa ghe thuyền vào lạch Vạn Củi để tránh gió. Mà lạch Vạn Củi đã bị người nuôi tôm làm hồ lấn chiếm hơn nửa dòng chảy. Nhiều lần họp dân, bà con đề nghị phải dẹp bỏ hồ tôm và đề nghị Nhà nước đầu tư nạo vét luồng lạch để làm nơi tránh trú bão, nhưng vẫn chưa làm được.

Khâu quy hoạch đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập so với thực tế, rõ nhất là ở đảo Phú Quý và thị xã La Gi. Theo quy hoạch, khu tránh bão Phú Quý với sức chứa 300 tàu, thuyền, nhưng hiện nay, riêng lượng tàu cá ở đảo đã hơn 1.300 chiếc. Còn ở La Gi, lượng tàu cá đã hơn 1.600 chiếc, tàu có công suất lớn nhất lên đến 600 CV, nhưng theo quy hoạch, khu tránh trú bão này chỉ đủ chỗ cho 1.200 chiếc và cỡ tàu lớn nhất cũng chỉ đến 300 CV. Ngoài ra, nhiều xã bãi ngang có lượng tàu cá khá lớn, nhưng chưa có nơi trú đậu an toàn, lại xa các khu tránh bão đã quy hoạch. Từ thực tế nêu trên, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị bổ sung mới ba khu tránh bão tại ba xã bãi ngang, gồm Bình Thạnh (huyện Tuy Phong), Tân Thắng (huyện Hàm Tân) và Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) với quy mô mỗi khu chứa được 200 chiếc có công suất đến 200 CV.

Bên cạnh nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, tỉnh Bình Thuận quan tâm bố trí kinh phí địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các khu tránh trú bão trong điều kiện ngân sách tỉnh rất khó khăn. Tuy vậy, đến nay, mới thực hiện đầu tư được năm trong tổng số 12 khu neo đậu cho tàu cá theo quy hoạch, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu neo đậu cho tàu cá. Vẫn còn bảy khu neo đậu tránh trú bão chưa được đầu tư, trong đó có các địa bàn nghề cá trọng điểm.

Thực tế tại các tỉnh Nam Trung Bộ cho thấy, đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá thời gian qua còn nhiều hạn chế; vốn đầu tư xây dựng hằng năm thấp; thiếu nguồn nhân lực; thiếu kinh phí cho quá trình duy tu, sửa chữa định kỳ; tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình quản lý cảng cá, khu neo đậu không thống nhất trong toàn quốc… Bộ NN và PTNT cần rà soát, kiểm tra xem kết quả thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên thực tế; trong đó có việc hoàn thiện hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các đảo, đặc biệt tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Rà soát việc thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020 là công việc rất cần thiết. Bởi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch hướng tới mục tiêu hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngành thủy sản, xây dựng các trung tâm nghề cá lớn; tăng cường công tác quản lý nghề cá; bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân; đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần, neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch; góp phần chống khai thác IUU; hình thành đầu mối giao thương trong nước và quốc tế.

HÙNG KẾ và CHÂU NGUYÊN

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 5-5.

Giải quyết những bất cập trong phát triển hạ tầng nghề cá tại khu vực Nam Trung Bộ (bài 1)