Ngư dân Nguyễn Lưu Truyền, chủ tàu cá công suất 800 CV ở thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, sau khi khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội đi vào hoạt động, ngư dân đặt rất nhiều kỳ vọng ở công trình này. Những tưởng giờ đây nỗi lo về chỗ tránh, trú bão cho tàu cỡ lớn sẽ được hóa giải. Thế nhưng, do cửa ra vào khu tránh, trú bão bị bồi lắng nên mỗi khi ra, tàu, thuyền có công suất nhỏ cũng phải lựa, chờ con nước lớn.
Gặp lúc bão lớn đổ bộ vào đất liền, đa phần các tàu có công suất lớn đều phải chạy ngược lên thượng nguồn sông Lam để tránh, trú. “Biết là nguy hiểm nhưng ở Hà Tĩnh lấy đâu ra khu tránh bão an toàn cho tàu cỡ lớn này chứ?”, ông Truyền đặt câu hỏi.
Khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá Cửa Hội được xây dựng, hoàn thành vào cuối năm 2021 với tổng vốn đầu tư 142 tỷ đồng. Theo thiết kế khu neo đậu có khả năng tiếp nhận 300 tàu thuyền có công suất từ 90-600 CV vào tránh, trú bão. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào khai thác, tại vị trí cửa ra vào khu neo đậu bị bồi lắng nên tàu, thuyền, nhất là tàu cỡ lớn, ra vào gặp rất nhiều khó khăn.
Nằm cách khu neo đậu tránh, trú bão Cửa Hội chỉ vài trăm mét, cảng cá Xuân Hội cũng đang bị đất cát bồi lắng 3/4 cầu tàu. Ngư dân Lê Văn Nga ở xã Xuân Hội (Nghi Xuân) bức xúc: Cảng cá Xuân Hội được thiết kế cho tàu có công suất 400 CV cập cảng nhưng do bị bồi lấp nên hiện nay chỉ tàu có công suất dưới 50 CV vào. Khi thủy triều lên tàu lớn có thể vào được, song khi thủy triều xuống thì bị mắc cạn, khiến tàu bị nghiêng, nhiều tàu đã hỏng.
Cảng cá Xuân Hội được đưa vào sử dụng năm 2014. Theo thiết kế, cầu cảng nơi neo đậu tàu thuyền có chiều dài 128m, độ sâu -4,1m. Từ năm 2017, do sự biến đổi của dòng chảy kéo theo khối lượng cát lớn nên xảy ra hiện tượng bồi lấp tại khu vực cầu cảng. Theo tính toán, mỗi năm cát biển bồi lấp tại cảng là 0,5cm; thời điểm hiện tại cao trình đáy bến đo được vị trí cao nhất là 1m, thấp nhất là -1,2m.
Tương tự, tại cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà), luồng vào cảng và vùng nước trước bến đã bị bồi lắng nghiêm trọng, không còn bảo đảm cho tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên ra vào cảng nhất là vào những thời điểm thủy triều xuống. Ông Thân Quốc Tế, Phó Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua đã có nhiều tàu bị mắc cạn ở luồng, ảnh hưởng đến chân vịt, tài sản và hoạt động khai thác thủy sản của người dân.
Hầu hết các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên khi vào cảng lên hàng phải neo đậu ở ngoài cửa biển và thuê thuyền nhỏ vận chuyển (tăng bo) thủy sản vào bán; một số tàu sau khi vào bốc hàng, thường xuyên bị mắc cạn, nghiêng khi cập cảng, phải chờ lúc triều cường mới di chuyển được.
Ngư dân Lê Bá Khỏe, chủ tàu NA90213 vào cặp bến Cửa Sót phản ánh: Hiện tượng bồi lắng cửa biển và khu neo đậu không chỉ làm lỡ thời cơ đánh bắt, gia tăng chi phí sản xuất mà còn gây ra nhiều bất an mỗi khi mùa mưa bão đến. Khi có thông báo về tình hình diễn biến thời tiết bất lợi, chúng tôi phải đi theo kinh nghiệm dân gian, hoặc chờ triều cường lên, nước dâng cao mới vào được âu thuyền neo đậu tại cảng Cửa Sót. Cũng theo phản ánh của các ngư dân, tình trạng bồi lắng luồng lạch diễn ra ở hầu hết các cảng cá và khu neo đậu của Hà Tĩnh.
Các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh chia sẻ: Do gặp khó khăn về nguồn lực, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch nạo vét luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do các sở, ngành chuyên môn chưa thống nhất được quan điểm nên dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa đang bị ngưng trệ.