Đầu tư mạnh cho hạ tầng nghề cá

Kinh tế biển được xem là nút thắt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, bảo đảm an ninh-quốc phòng, an sinh xã hội. Việc huy động các nguồn lực đầu tư mạnh cho hạ tầng nghề cá, vừa bảo đảm thuận lợi cho ngư dân trong quá trình đánh bắt, neo đậu, vừa tạo nên chuỗi giá trị kết nối bền vững cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
0:00 / 0:00
0:00
Tàu cá của ngư dân miền trung neo đậu tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng).
Tàu cá của ngư dân miền trung neo đậu tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng).

Theo Quyết định số 665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay, trên toàn quốc có 92 trong số 125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp, trong đó mới có 65 cảng cá được công bố mở cảng theo quy định, các cảng cá còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc hiện tại chưa đủ điều kiện thực hiện việc công bố mở cảng theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Tổng công suất lượng hàng hóa qua cảng thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm, 9.298 lượt tàu/ngày, chín cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000CV và hai cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000CV cập cảng. Hiện có 71 khu neo đậu tránh trú bão tàu cá thuộc địa phận 27 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có 55 khu neo đậu cấp tỉnh và 16 khu neo đậu cấp vùng, với sức chứa khoảng 47.882 tàu cá…

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2020, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực thủy sản khoảng 5.267 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,8% tổng vốn đầu tư toàn ngành, không đạt mức Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản đề ra. Tiến độ giải ngân các dự án đầu tư của ngành thủy sản vẫn còn thấp, chỉ đạt 81,8%, trong khi đó ngành lâm nghiệp giải ngân đạt vượt kế hoạch đề ra 136,6%; tương tự ngành nông nghiệp đạt vượt kế hoạch đề ra 107,8%.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu của cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 dự kiến là 60.370 tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách để tạo sức lan tỏa và thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến, riêng giai đoạn 2021-2025 là 31.650 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 28.720 tỷ đồng.

Hiện nay, các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đang phải đối mặt với những khó khăn như: Hệ thống các công trình cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão của các địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nghề cá; các hạng mục công trình cảng cá đã xây dựng từ khá lâu cho nên xuống cấp, thiết kế đã lạc hậu so với sự phát triển về tàu cá, nhất là đội tàu cá lớn; các hạng mục đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đồng bộ; luồng lạch ra vào cảng cá, khu neo đậu đã bị bồi lắng không bảo đảm an toàn cho các tàu cá ra vào cảng…

Khu vực miền trung là mặt tiền biển của Việt Nam, chiếm 50% số tỉnh giáp biển của cả nước (14 trong số 28 tỉnh, thành phố) với chiều dài đường bờ biển 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước, là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của khu vực miền trung đang tập trung phát triển là: Du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo. Một trong những điều kiện cần nhất của ngư dân và các cảng cá, âu thuyền được quan tâm bài bản, đúng mức.

Đối với thành phố Đà Nẵng, địa phương được xác định là một trong năm trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, đến thời điểm hiện tại, địa phương này đã hoàn thành giai đoạn 1 Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Thọ Quang nhằm hình thành cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn Đà Nẵng.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 217 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn của Trung ương hơn 151 tỷ đồng, vốn ngân sách thành phố Đà Nẵng đối ứng gần 66 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2023, giai đoạn 1 của dự án cơ bản hoàn thành, trong đó phần nâng cấp các cầu cảng, nhà bao che cầu tàu được đầu tư xây mới với diện tích gần 2.500m² đã hoàn thành, mái che kiên cố đã hoàn thiện khớp nối toàn bộ… hiện đang chờ phê duyệt để chính thức đưa vào sử dụng.

Cùng với việc sắp hoàn tất dự án xây dựng tuyến luồng vào khu bến Thọ Quang do Ban quản lý dự án hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân miền trung xuất/cập bến, vươn khơi, bám biển. Dự án với mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc xây dựng tuyến luồng vào bến Thọ Quang sẽ hỗ trợ và tạo thuận lợi cho cảng cá lớn nhất miền trung, với sản lượng bốc dỡ qua cảng hằng ngày rất lớn. Vùng nước âu thuyền có sức chứa 800 tàu, thuyền công suất từ 22CV đến 600CV vào neo đậu. Âu thuyền cảng cá Thọ Quang có sức chứa gần 500 tàu, thuyền công suất lớn.

Hiện tại, các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung đã và đang triển khai nhiều dự án nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá; bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.