Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ ngày 1/1/2024 đến 10/7/2024, Trung tâm đã ghi nhận được 142 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 đến 4,1 độ theo thang Mô-men trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, có 24 trận động đất với độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo theo Quy chế của Chính phủ.
Đặc biệt, ngày 25/3/2024, trận động đất có độ lớn 4 độ đã xảy ra tại ở khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Làm rõ thêm nguyên nhân liên tục xảy ra động đất trong thời gian gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong 142 trận động đất, ngoài các trận động đất kích thích tập trung ở các khu vực hồ thủy điện như tại Kon Tum, Quảng Nam, thì có 10 trận động đất tự nhiên.
Các trận động đất tự nhiên xảy ra trên một số đới đứt gãy theo quy luật khi tích lũy đủ năng lượng thì xảy ra động đất. Động đất càng lớn thì khả năng lặp lại càng ít. Thí dụ động đất 6,7 độ ở Tây Bắc rất ít khi xuất hiện và chu kỳ lặp lại là rất dài lên đến mấy chục năm, trong khi các trận động đất nhỏ dưới 4 độ vẫn thường xuyên xảy ra. Động đất càng nhỏ thì lặp lại càng nhanh.
Chia sẻ về trận động đất xảy ra ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vào tháng 3 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động động đất vẫn xảy ra ở đứt gãy sông Hồng, sông Chảy. Trong quá khứ, khu vực này đã từng xảy ra động đất có độ lớn trên 5 độ.
Để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, Viện Vật lý Địa cầu mong muốn thời gian tới làm lại bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất và đánh giá rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước.
Theo dõi các trận động đất qua hệ thống Báo tin động đất. |
Bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất nhằm xác định các vùng phát sinh động đất trên lãnh thổ Việt Nam. Nhờ vào bản đồ này, có thể biết được thời điểm động đất lặp lại trong 1.000 năm, 500 năm và 20 năm. Hay, nói cách khác, các nhà khoa học có thể dự báo được động đất tại Việt Nam.
Ngoài số liệu về động đất trên bản đồ, các nhà khoa học phải nghiên cứu về đứt gãy, khảo sát địa chấn, địa chất kiến tạo, tính toán lại các thông số và diễn giải dễ hiểu để người dùng sử dụng thuận tiện. Các địa phương, cơ quan quản lý dựa vào đó đưa ra được phương án kháng chấn phù hợp cho các công trình, phục vụ quy hoạch, phát triển các công trình quan trọng của đất nước. Được biết, theo thông lệ các nước trên thế giới, khoảng 5-10 năm số liệu sẽ được cập nhật một lần. Bản đồ phân vùng nguy hiểm động đất của Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây chưa được cập nhật số liệu.
Bên cạnh đó, cần thiết cập nhật số liệu cho bản đồ đánh giá đánh giá rủi ro động đất ở các vùng trên cả nước. Trước mắt, cần đánh giá khả năng thiệt hại khi động đất xảy ra ở một số khu vực trọng điểm như ở các thành phố lớn, khu đông dân cư, công trình trọng điểm, các vùng nguy hiểm, có động đất mạnh. Được biết, bản đồ đánh giá rủi ro động đất hiện mới chỉ làm cho một số khu vực nhỏ, nhiều năm nay cũng chưa được cập nhật số liệu .
”Thí dụ như Thủ đô Hà Nội, các công trình xây dựng sau 5-10 năm đã cũ đi, hay các công trình xây mới đều cần được đánh giá, cập nhật lại số liệu, tính toán những công trình nào có nguy cơ bị ảnh hưởng, ảnh hưởng mức độ như thế nào nếu động đất xảy ra. Ở những khu vực động đất nguy hiểm thì cần đánh giá sự ảnh hưởng đến công trình xây dựng, sườn núi đá có nguy cơ lăn xuống hay không. Việc kiểm tra, đánh giá rất quan trọng giúp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.